Nghệ An: Đầu tư kết cấu hạ tầng Logistics bằng nguồn thu hút và xã hội hoá

19:00 | 10/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nghệ An sẽ thu hút và xã hội hóa việc đầu tư kết nối hạ tầng logistics, huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước nhằm phát triển hạ tầng logistics.

Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics “gặp khó” trong mùa dịch Covid

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu tại Nghệ An đang bị thu hẹp, lượng hàng hóa lưu thông qua cảng Cửa Lò đã giảm sút rõ rệt so với 6 tháng đầu năm. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu ở Nghệ An, trong tâm dịch COVID-19 không chỉ cước vận chuyển container tăng cao, các dịch vụ logistics kèm theo đều đang gặp khó khi thiếu nhân công, tài xế, chi phí vận chuyển khác, khiến doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm này khó chồng khó, càng làm càng lỗ.

Theo ông Yên Văn Phúc, Phó giám đốc Xí nghiệp xếp dỡ Cảng Cửa Lò, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng qua cảng Cửa Lò đều ổn định và có xu hướng tăng. Tuy nhiên, hai tháng gần đây do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lượng hàng hóa giảm rõ rệt. Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu do công tác phòng chống dịch nên phải thu hẹp quy mô sản xuất, ngoài ra nhu cầu về nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa phục vụ sản xuất cũng giảm sút. Vì thế, lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng Cửa Lò những tháng gần đây giảm sút là điều tất yếu.

Theo đại diện Vilaconic công ty chuyên xuất khẩu gạo, tinh bột sắn, hồ tiêu… bằng đường hàng hải cho hay: do dịch bệnh nên lượng Container 20 và 40 feet bị thiếu hụt, vì thế phí dịch vụ cước phí vận tải tăng lên đột biến. Ví dụ, trước đây giá cước vận tải chỉ 300-400 USD/1 container xuất đi Dubai (các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) thì nay tăng lên 3.000 USD; hay như xuất khẩu gạo sang Chi Lê (Nam Mỹ) trước chỉ 1.700 USD/1 container thì nay tăng lên đến 8000-9000 USD/1 container nên mức độ đội chi phí lên cho doanh nghiệp là rất lớn. 

Khu tập kết hàng xuất nhập khẩu của Cảng Cửa Lò

Theo số liệu từ Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm của tỉnh Nghệ An ước đạt hơn 850,7 triệu USD. Trong đó xuất khẩu hàng hóa của quý 1 và 2 ước đạt 537 triệu USD. Riêng năm 2021, ngành công thương tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 7,1 % so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa phấn đấu đạt 910 triệu USD. Tuy nhiên, do cước phí vận chuyển tăng cao khi dịch COVID-19 bùng phát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Minh Tuấn trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương cho rằng, trước mắt Sở Công thương Nghệ An sẽ trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để giảm giá thành dịch vụ, đồng thời đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, người lao động để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Còn về lâu dài, tỉnh Nghệ An phải huy động tối đa mọi nguồn lực để từng bước hoàn thiện về cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, giao thông đường bộ, đường sắt, thông tin, các trung tâm logistics để phục vụ các dịch vụ.

Đầu tư hạ tầng Logistics bằng “đa” nguồn

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch số 496/KH-UBND về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025.

Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai áp dụng có hiệu quả các chính sách, pháp luật quy định liên quan về phát triển dịch vụ logistics; tiếp tục cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư hạ tầng logistics. Nghiên cứu, xây dựng đề xuất: Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy định của pháp luật…

Đồng thời, rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển logistics phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, ngành và địa phương gắn với kế hoạch sử dụng đất, trong đó xác định vị trí, quy mô, lộ trình đầu tư xây dựng. Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ logistics, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình quan trọng như: Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An, đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò, đại lộ Vinh – Cửa Lò, mở rộng cảng hàng không Quốc tế Vinh…

UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi, phương tiện vận tải… ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ cao về logistics. Doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian luân chuyển hàng hóa.

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp dịch vụ logistics quy mô lớn, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Đẩy mạnh xúc tiến lĩnh vực dịch vụ logistics thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, hội chợ, triễn lãm; Tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực…

Theo đó, Nghệ An sẽ triển khai thu hút và xã hội hóa việc đầu tư kết nối hạ tầng logistics, huy động tối đa mọi nguồn lực để từng bước hoàn thiện về: Cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, giao thông đường bộ, đường sắt, thông tin, các trung tâm logistics để phục vụ các dịch vụ logistics trên địa bàn. Nhằm phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, thương mại, xuất nhập khẩu, hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin của tỉnh Nghệ An. Phát triển thị trường dịch vụ logistics theo hướng lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Xây dựng  hoàn thiện để  Nghệ An trở thành đầu mối  Logistics quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ

Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý của tỉnh Nghệ An. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics. Đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường kết nối để đưa Nghệ An trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ và cả chú trọng đẩy mạnh kết nối lưu thông hàng hóa tới các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Việt Nam- Lào -Thái Lan – Myanmar…

Ngoài ra, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành sản xuất áp dụng mô hình sản xuất quản trị theo chuỗi cung ứng tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng ứng dụng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng số và công nghệ mới trong logistics. Xây dựng mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với cung cấp dịch vụ logistics khép kín, hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí.