Hai doanh nghiệp môi giới bất động sản báo lãi trong quý cuối năm 2023

Hà Lê 13:48 | 30/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bất động sản những năm cuối năm 2023 không mấy sáng sủa, dù vẫn có lãi nhưng không nhiều.

Tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Riêng đối với nhóm môi giới, quý cuối năm 2023, có doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận vẫn ở mức khiêm tốn.

Đơn cử, trong quý IV, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, Mã: CRE) ghi nhận hơn 330 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn hơn 1,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 63 tỷ đồng). Trong quý III vừa qua, doanh nghiệp này cũng chỉ lãi sau thuế hơn 564 triệu đồng.

Lũy kế cả năm 2023, CenLand đem về hơn 932 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 2,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với năm ngoái (lần lượt đạt 3.476 tỷ đồng và hơn 194 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu môi giới (chủ yếu là sản phẩm căn hộ và đất nền) giảm mạnh từ hơn 1.402 tỷ về hơn 330 tỷ đồng).

(Nguồn: H.L tổng hợp từ BCTC CenLand).

CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (Mã: KHG) ghi nhận hơn 31 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý IV, giảm 95% và hơn 7,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh là do ảnh hưởng của tình hình khó khăn chung trên thị trường bất động sản. Trong quý liền trước, doanh nghiệp lãi sau thuế hơn 12 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 330 tỷ đồng, giảm 76% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 124 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu môi giới bất động sản (chủ yếu là sản phẩm căn hộ và đất nền) giảm mạnh từ 1.105 tỷ về hơn 78 tỷ đồng.

(Nguồn: H.L tổng hợp từ BCTC Khải Hoàn Land).

Thực tế, thị trường địa ốc mới chỉ đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chưa thể phục hồi hoàn toàn. Nhiều chủ đầu tư cũng như đơn vị môi giới vẫn đang phải vật lộn với thách thức để tồn tài.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết khát tiền vẫn là thực trạng mà nhiều doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt thời gian tới. Với đặc trưng vốn chủ sở hữu mỏng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Tuy nhiên, hai nguồn vốn hàng đầu là tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều biến động mạnh thời gian qua.

Trong năm 2023, các đơn vị kinh doanh, dịch vụ, môi giới bất động sản bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Thống kê của đơn vị này chỉ ra, có gần 80% các đơn vị môi giới phải rời bỏ thị trường để tìm kiếm cơ hội khác. Dự báo trong năm 2024, cùng với đà phục hồi, ngành bất động sản sẽ đón nhận sự quay trở lại của khoảng 30 - 40% môi giới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, theo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đội ngũ môi giới sau này sẽ phải ràng buộc vào các sàn giao dịch. Do đó, việc môi giới bán các bất động sản trái luật cũng đồng nghĩa với việc chủ các sàn giao dịch phải chịu ràng buộc về mặt pháp lý.

Vì vậy, để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, các sàn giao dịch bất động sản sẽ phải chuẩn bị tốt hơn về mặt pháp lý cho môi giới theo đúng quy định của pháp luật; cũng như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho từng nhân viên môi giới khi thị trường hồi phục, để phát triển bền vững.

Doanh nghiệp lạc quan hơn vào năm sau

Ông Nguyễn Thái Bình, CEO CTCP Đông Tây Land mới đây cho biết, khi thị trường chuyển qua trạng thái khó khăn, đóng băng, đỉnh điểm là năm 2023, tất cả các nhà đầu tư dừng hoạt động mua bán. 2024 - 2025 chưa phải là thời điểm thị trường bùng nổ nhưng có thể kỳ vọng khả quan hơn.

Quan điểm này được đưa ra trên cơ sở “kết quả bán hàng tháng 12 của Đông Tây Land ghi nhận số lượng và doanh số bán tăng trưởng ít nhất 3 - 3,5 lần so với từng tháng trong 11 tháng đầu năm, không tính các đợt mở bán. Đông Tây Land cũng không có bất kỳ đợt mở bán mới mà chỉ bán hàng cũ”, theo chia sẻ của ông Bình.

CEO Đông Tây Land cho biết thêm: “Khách hàng đầu tư trong nhóm 80% đã bắt đầu xuống tiền dần nhưng chọn lựa sản phẩm kĩ càng hơn. Trong tháng 11, công ty bán sản phẩm nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, rõ ràng đây là sản phẩm đầu tư chứ không phải để ở nhưng đã có giao dịch. Đây có thể là chỉ báo để kỳ vọng thị trường chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024”.

Theo dự báo của ông Bình, quý I - II/2024 thị trường sẽ còn chật vật, khó khăn do ảnh hưởng của Tết Nguyên Đán và khách đã dồn vào các đợt mua cuối năm, đến quý III - IV/2023 thị trường mới có những tín hiệu tốt hơn so với năm nay. 

Đại diện một đơn vị môi giới khác, ông Mai Viết Vĩnh, Chủ tịch Mai Việt Land cho biết, trong năm 2023 các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, rất nhiều các sàn môi giới đóng cửa, nhân viên môi giới phải từ bỏ nghề.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ nên thị trường bất động sẳn đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, thị trường bắt đầu tốt lên trong quý III và quý IV; đặc biệt là ở phân khúc căn hộ.

Theo ông Vĩnh, vùng đáy của thị trường bất động sản rơi vào năm 2023, đến 2024 thị trường đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh. Ông Vĩnh cho rằng, giai đoạn này hiện tại nguồn lực tài chính bắt đầu rót vào thị trường bất động sản có khởi sắc, đầu tư cơ sở hạ tầng bắt đầu cũng được Chính phủ chú trọng nhưng do tâm lý, niềm tin của người mua vào thị trường trong thời gian qua đã quá thấp nên thị trường chưa thể ổn định trong thời gian ngắn.