Hai ngân hàng 0 đồng GPBank và DongA Bank sắp được chuyển giao

Đông Bắc 08:58 | 14/01/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi chuyển giao bắt buộc đối với MBV và CB, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp công bố chuyển giao hai ngân hàng còn lại là GPBank và DongA Bank.

 

Lộ diện nhà băng nhận chuyển giao GPBank và DongA Bank

Hai ngân hàng OceanBank (tên mới là MBV) và Xây Dựng Việt Nam (CB) chính thức được chuyển giao bắt buộc lần lượt về MB và Vietcombank kể từ ngày 17/10/2024 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo kế hoạch, tuần này, NHNN sẽ chính thức công bố quyết định chuyển giao hai ngân hàng còn lại là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).

 

 GPBank và DongA Bank chuẩn bị được Ngân hàng Nhà nước công bố chuyển giao. Ảnh BTP.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đều đã lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Đối tượng hướng tới chưa được VPBank công bố nhưng thị trường có nhiều đồn đoán ngân hàng này sẽ là "bến đỗ" của GPBank. Trước đó, tại Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GPBank hồi tháng 9/2022 cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo VPBank.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo VPBank cũng đã trình và được cổ đông phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém.

Với HDBank, năm 2022, ngân hàng này từng xin ý kiến và được cổ đông thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, HDBank cũng được cổ đông chấp thuận việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung của phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đệ trình.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thông báo Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng GPBank và DongABank. NHNN sẽ tổ chức lễ công bố quyết định chuyển giao hai ngân hàng này “trong vài ngày tới”.

Được biết, lễ công bố quyết định chuyển giao dự kiến diễn ra trong tuần này.

Việc chuyển giao ngân hàng yếu kém về một ngân hàng thương mại lớn mạnh, có tiềm lực vững là điều kiện để cơ cấu lại toàn diện và từng bước vực dậy ngân hàng yếu kém.

Như trường hợp của MBV và CBBank, sau khi được chuyển giao về MB và Vietcombank, hai “ngân hàng 0 đồng” này tiếp tục duy trì mô hình ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

MB vực dậy ngân hàng 0 đồng

Tại Hội nghị nhà đầu tư diễn ra mới đây, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết đã đưa nhân sự sang MBV (tên mới ngân hàng OceanBank) để giúp "vực dậy" ngân hàng.

Theo ông Phạm Như Ánh, MB cũng đã bán dư nợ sinh lời qua cho MBV và MBV được dùng dư nợ đó để vay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khoản tiền tương đối lớn với lãi suất bằng 0, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho MBV. Tổng Giám đốc MB khẳng định việc bán dư nợ cho MBV không làm ảnh hưởng đến tài sản sinh lời của MB.

Trước đó, MB cũng đã cử gần 80 nhân sự có chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức tốt để bổ sung cho MBV, sắp xếp và đào tạo đội ngũ nhân sự MBV về nghiệp vụ, kỹ năng, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

MB chính thức nhận chuyển giao OceanBank từ tháng 11/2024, và đến tháng 12/2024, OceanBank đã được đổi tên thành MBV. Cùng với đó, ngân hàng này bổ nhiệm các nhân sự mới từ MB, với ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch kiêm Thành viên ban điều hành MB, làm Chủ tịch Hội đồng thành viên MBV. Ông Trung vẫn tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch MB và phụ trách khối ngân hàng số của MB.

Ông Lê Xuân Vũ, trước đây là Thành viên ban điều hành MB kiêm Phó Tổng Giám đốc OceanBank, được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc MBV.

Kể từ ngày 17/10-13/12, tăng trưởng huy động vốn của OceanBank đạt 1.229 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỷ đồng. MB và OceanBank đã triển khai các khoản bán nợ quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Quá trình hoạt động sau chuyển giao diễn ra suôn sẻ, tuyệt đối an toàn, không có gián đoạn giao dịch hoặc sự cố.