Hàng loạt dự án nhà ở công nhân khởi động trong quý II, nguồn cung kỳ vọng tăng mạnh thời gian tới

Đông Bắc 13:50 | 23/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự phát triển mạnh của bất động sản công nghiệp trong những năm qua dẫn đến số lượng khu công nghiệp tăng vọt, với số lượng công nhân cũng tăng theo nên đi kèm với nhu cầu lớn về nhà ở.

  

Sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp gắn liền với sự bùng nổ của các khu công nghiệp. Cả nước hiện có gần 600 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong số khoảng 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương thì lực lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%.

Nhu cầu về nhà ở của công nhân cũng đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tuy vậy, số liệu của Bộ Xây dựng, hiện mới chỉ có hơn 120 dự án nhà ở công nhân được hoàn thành, tương đương với 2,7 triệu m2 sàn xây dựng, đáp ứng chỗ ở của khoảng hơn 340.000 người lao động, mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp. Như vậy, phần lớn công nhân vẫn đang phải đi thuê trọ. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, số lượng công nhân thuê nhà trọ là rất lớn...

 Nhà ở cho công nhân là nhu cầu cấp thiết hiện nay tại các khu công nghiệp. Ảnh BĐS.

Nguồn cung nhà ở công nhân sẽ tăng mạnh

Để thúc đẩy nguồn cung nhà ở công nhân, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng cần sửa Luật Nhà ở. Theo đó, Luật Nhà ở phải có quy định về quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Quá trình phát triển hai phân khúc này cần đi kèm các yếu tố là đầy đủ tiện ích, dịch vụ cũng như kết nối giao thông thuận tiện để thu hút người dân về sống.

Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê do ngân sách nhà nước có hạn. Đối với nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hoá để doanh nghiệp tư nhân thực hiện.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Vân - Phó GĐ, Dịch vụ Tư vấn & Định giá, Savills Hà Nội nhận định trên Báo KTĐT: “Trên thực tế, nguồn cung nhà ở công nhân hiện vẫn còn rất hạn chế và chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện có. Theo ghi nhận, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu lao động trong khu công nghiệp, một nửa trong số đó cần chỗ ở tương đương với nhu cầu nhà ở là 12,5 triệu m2 sàn.

Tuy nhiên, nguồn cung hiện hữu mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu thực tế của công nhân lao động. Do sự thiếu hụt này, rất nhiều khu nhà trọ gần các khu công nghiệp được người dân xây dựng để cho thuê. Nhiều khu nhà trọ trong số này đã cũ kỹ, xuống cấp cũng như mật độ người thuê rất đông đúc, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và an toàn”.

Theo bà Nguyễn Hồng Vân - Phó GĐ, Dịch vụ Tư vấn & Định giá, Savills Hà Nội, trước đây chưa có khung pháp lý hay định nghĩa rõ ràng về nhà ở công nhân. Tuy nhiên, Nghị định 33 được thông qua vào đầu năm 2023 đã đưa ra những cam kết quan trọng về nhà ở công nhân và nhà ở xã hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Xây Dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Sự quyết tâm phát triển đối với hai loại hình nhà ở này hiện đã được đưa vào quy hoạch chung ở các chính quyền địa phương và cả nước.

Nhà nước đã cung cấp nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển và các gói hỗ trợ để người công nhân tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở. Theo luật, đối với một số khu công nghiệp đã có quy định cụ thể, tối thiểu 2% tổng diện tích đất của khu công nghiệp phải được dành cho nhà ở công nhân. Tiền sử dụng đất đang được đề xuất miễn cho đất phát triển nhà ở công nhân.

 Hải Phòng khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Ảnh BHP.

Nhiều địa phương khởi công dự án nhà ở cho công nhân trong quý II

Trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho công nhân, nhiều địa phương đã triển khai các dự án nhà ở cho công nhân. Chỉ tính từ đầu quý II đến nay, đã có hàng loạt dự án nhà ở cho công nhân được phê duyệt hoặc bắt đầu khởi công tại các tỉnh thành trên cả nước.

Chẳng hạn, ngày 16/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khởi công Dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (giai đoạn 2) tỉnh Bắc Giang.

Dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được triển khai với tổng mức đầu tư 2.298 tỷ đồng, với quy mô nhà ở xã hội cao tầng tại lô CT.1 và CT.2: Xây dựng 10 tòa nhà ở chung cư cao 20 tầng và hạ tầng kỹ thuật cơ bản đồng bộ, được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 5 toàn nhà đã đi vào hoàn thiện và hôm nay tiếp tục thực hiện khởi công giai đoạn 2 của Dự án.

Đây là dự án lớn, với tổng diện tích xây dựng gần 13 nghìn m2, tổng diện tích sàn gần 243 nghìn m2. Tổng số căn hộ gần 4.500 căn, tổng diện tích sử dụng các căn hộ ở gần 160 nghìn m2. Dân số tính toán khoảng 12.000 người. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho công nhân của tỉnh theo Chương trình đã đề ra.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 12 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, đến năm 2025 nếu hoàn thành toàn bộ sản phẩm thì sẽ cung cấp khoảng hơn 26.000 căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, đáp ứng hơn 90% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân được dự báo mới trong giai đoạn 2021-2025, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn đến năm 2025.

 Bắc Giang đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Ảnh VNM.

Trước đó, tại Hải Phòng, ngày 30/5, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức khởi công xây dựng khu nhà ở cho 10 nghìn công nhân, lao động của công ty tại phường Đông Hải 2 (quận Hải An).

Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 5ha, gồm 10 tòa nhà cao tầng cùng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bảo đảm đủ các tiện ích xã hội, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10 nghìn công nhân, lao động, nhân viên đang làm việc tại nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam trong Khu công nghiệp DEEP-C.

Dự án được Công ty trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam đầu tư với tổng vốn lên tới 68,3 triệu USD, tương đương khoảng 1.600 tỷ đồng Việt Nam.

Dự án góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, lao động và hiện thực hóa chương trình hành động của thành phố Hải Phòng về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, lao động trong các khu công nghiệp.

Trước đó, ngày 28/5, UBND TP Hải Phòng tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu nhà ở xã hội thuộc Dự án KĐT Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ (Nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ), tại địa phận xã Lê Lợi, huyện An Dương.

Đây là dự án quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về phát triển dự án nhà ở xã hội, đảm bảo an cư cho lao động.

Khu nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ do Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng làm chủ đầu tư.

Dự án thực hiện trên khu đất rộng 3,2ha trong khu công nghiệp Tràng Duệ, với tổng mức đầu tư 1.594 tỷ đồng bằng vốn chủ đầu tư và huy động khác.

Theo thiết kế, dự án sẽ xây dựng 10 tòa nhà cao 15 tầng, với tổng 2.538 căn hộ chung cư, đáp ứng nhu cầu cho 9.137 người. Khi hoàn thiện, các căn hộ có diện tích từ 26-68m2, phù hợp nhu cầu và kinh tế của công nhân, viên chức, người lao động thu nhập thấp.

Dự án được kỳ vọng đảm bảo an cư cho người lao động cũng như giải bài toán ổn định nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương và các địa phương lân cận.

Tỉnh Phú Thọ mới đây cũng đã công bố 3 dự án dành cho người thu nhập thấp và cho công nhân có nhu cầu vay vốn trên địa bàn (đợt 1) theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng bao gồm: Dự án khu nhà ở xã hội thấp tầng tại lô đất N02 có tổng diện tích xây dựng 21.000 m2, với 147 căn hộ/nhà ở với tổng mức đầu tư trên 173 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành; Khu nhà ở và dịch vụ Khu công nghiệp Thụy Vân, xã Thụy Vân, Thành phố Việt Trì, có tổng diện tích xây dựng 8.023m2, với 671 căn hộ/nhà ở với tổng mức đầu tư 284,66 tỷ đồng, Dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành dự án.

Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân Khu công nghiệp Phú Hà tại xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, có tổng diện tích xây dựng 43.175m2, với 606 căn hộ/nhà ở. Dự án do Tổng công ty Viglacera – CTCP làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 360,18 tỷ đồng. Dự kiến đến quý IV/2023 dự án sẽ hoàn thành; nhu cầu vay vốn là 216 tỷ đồng. 

 

Đề nghị bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp

Ngày 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) nêu ý kiến:  Khoản 10 Điều 201 của dự thảo luật về đất khu công nghiệp, so với quy định như dự thảo luật thiếu sự rõ ràng khi sử dụng cụm từ “xác định nhu cầu xây dựng”. Mặt khác vẫn chưa giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, chưa tương thích với Luật Nhà ở sửa đổi để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, tương thích ở sửa đổi Luật Nhà ở; coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là hạ tầng thiết yếu cho khu công nghiệp. Đại biểu đề nghị quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng công trình công cộng, phục vụ đời sống, làm việc trong khu công nghiệp.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, thực tế cho thấy việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp mang lại nhiều lợi ích hơn, giảm chi phí đi lại cho công nhân và doanh nghiệp, giảm ùn tắc giao thông, tiện lợi cho tổ chức sản xuất, nhất là khi có dịch bệnh hoặc thiên tai.