Hậu cổ phần hóa: “Nhiều doanh nghiệp bỏ bê khiến làm ăn không hiệu quả”
Mới đây, theo số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) - Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của 7 DN. Đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.
Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, trong số 178 DN đã cổ phần hóa thì chỉ có 37/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), như vậy, tiến độ CPH các DN còn chậm.
Những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH trong năm 2020 như: TP Hà Nội còn 13 DN, chiếm 14% kế hoạch; TP Hồ Chí Minh còn 38 DN, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 6 DN; Bộ Công Thương còn 4 DN; Bộ Xây dựng còn 2 tổng công ty. Bên cạnh đó, theo kế hoạch được phê duyệt, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng gồm nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai là 98.748 tỷ đồng tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, thực tế triển khai bán cổ phần đã không thành công theo kế hoạch, tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN.
Trong năm 2020, cả nước đã thoái được 2.505,6 tỷ đồng, thu về 5.965,7 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại 13 DN theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành với giá trị 1.788 tỷ đồng, thu về 4.617 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: Thoái 27.275 tỷ đồng, thu về 177.037 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 105 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.492 tỷ đồng, thu về 13.582 tỷ đồng - đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhận định về tình trạng trên, Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết, kế hoạch cổ phần hóa cả giai đoạn đếm thời điểm hiện tại không hoàn thành, khởi đầu chậm. Có nhiều nguyên nhân những năm cuối không hoàn thành do một số nguyên nhân. Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cổ phần hóa cho doanh nghiệp phức tạp dẫn đến định giá về đất giá trị vô hình, hữu hình thương hiệu của doanh nghiệp. Thứ hai, do bản thân những bên liên quan như cơ quan quản lý lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại sai phạm có thể sảy ra trong quá trình cổ phần hóa. Thứ ba, chủ yếu là phương án sử dụng đất đai, cơ quản quản lý chưa có hướng giải quyết dứt điểm thực hiện cổ phần hóa.
Nhiều vướng mắc trong phương án sử dụng đất của doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa chưa được tháo gỡ
Chuyên gia Ánh cũng cho biết, tiêu chuẩn cổ phần hóa toàn bộ hay nhà nước giữ lại, tùy thuộc vào từng doanh nghiệp cổ phần hóa theo mục tiêu có thể bán toàn bộ doanh nghiệp, không bán cổ phần, hoặc phát hành thêm. Nên có nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước có thể chiếm 50% tùy thuộc vào từng loại doanh nghiệp cổ phần hóa và cách thức cổ phần hóa. Có những doanh nghiệp nên cổ phần hóa tất nhưng vì một số lý do không chính đáng nên người ta giữ lại cổ phần hóa một phần nên hiệu quả doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa không cao.
Tuy nhiên, tùy theo từng doanh nghiệp từng ngành nghề cổ phần hóa có thể chỉ là 1 nguyên nhân. Hoặc các nguyên nhân như bản thân ngành nghề doanh nghiệp đó trong thời điểm đó khó khăn. Có những doanh nghiệp cổ phần hóa không phù hợp. Có những doanh nghiệp chỉ quan tâm tới tài sản, đất đai của họ thôi nên sau khi cổ phần hóa xong dẫn đến tình trạng bỏ bê sản xuất, không quan tâm tới nữa dẫn đến doanh nghiệp không hiệu quả.
“Khi có kế hoạch cơ sở tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Mục tiêu của kế hoach cổ phần hóa đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước nhưng khi kế hoạch đó không thực hiện được sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu cổ phần hóa tốt đẹp của nhà nước”., Chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Kinh tế Trương Thanh Đức, với chủ trương tổng thể về sở hữu vốn của Nhà nước khi CPH, khi CPH doanh nghiệp thì cổ phần bao nhiêu, nhà nước giữ lại bao nhiêu. Bởi hiện nay đưa ra một loạt danh sách nhưng thực chất vẫn là Nhà nước chi phối hết, luật mới quy định trên 50% là nhà nước.
Cần xác định lại bản chất của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa
“Quan điểm phải rõ ràng, cổ phần hoá hết, trừ ngoại lệ. Ví dụ giữ lại Ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp bản chất là ngân hàng chính sách thì bây giờ cũng coi như thương mại, phải cổ phần hoá hết”, ông Đức nói.
Ngoài ra, cổ phần hoá cần được xác định phải dưới 50%, thậm chí theo là dưới 35%, tức là không còn cái gì chi phối để không sửa được điều lệ nữa. Nếu vẫn giữ trên 35% thì chẳng thay đổi gì, vì có doanh nghiệp vẫn bị nhà nước chi phối 90%.
Ông Đức nhận định, nếu tiến trình CPH càng bị chậm thì sẽ làm cho cả xác hội không vận hành được nền kinh tế một cách hợp lý, thiếu tính cạnh tranh, không hiệu quả. Tạo tiền đề cho những sự lãng phí, tham nhũng, cơ chế chính sách không bứt phá được trong nước và ngoài nước. Việc thực hiện cổ phần hoá sẽ thúc đẩy một môi trường giàu sức cạnh tranh, công bằng, khách quan, minh bạch thì mới mang được nhiều giá trị cho đất nước, các quốc gia siêu cường mới thừa nhận nền kinh tế việt Nam.
Hải Đăng
Xem thêm: "Điểm nghẽn" khiến nhiều doanh nghiệp loay hoay chưa cổ phần hóa xong?