Doanh nghiệp phân bón 'kém sắc' nửa đầu, chờ 'sáng' hơn về cuối năm

Lạc Lạc 14:54 | 08/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
6 tháng năm 2023, doanh nghiệp sản xuất phân bón nói chung và doanh nghiệp sản xuất Urê trong nước nói riêng đối mặt với rất nhiều khó khăn khi giá Urê và NH3 trong nước liên tục giảm mạnh theo giá thế giới. Kéo theo đó là kết quả sụt giảm của loạt doanh nghiệp trong ngành.

Lợi nhuận doanh nghiệp phân bón đi xuống theo đà giảm của giá Urê

Năm 2022, các doanh nghiệp phân bón ghi nhận thắng lớn do hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, giá phân bón đảo chiều. Giá Urê thế giới liên tục giảm mạnh. Có thời điểm gần đây, giá rớt xuống dưới 300 USD/tấn, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi đầu năm 2022, giá loại hàng hoá này đã giảm tới gần 70%. Tương tự, giá phân bón DAP và NPK cũng lần lượt giảm 36% và 20% so với mức lập đỉnh hồi tháng 4/2022.

 Diễn biến giá urê giai đoạn 2021 - 2022 và dự báo 2023. Nguồn: S&P Global.

Nguyên nhân chủ yếu được các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra là do các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên tăng lên và nhập khẩu LNG dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.

Chia sẻ với Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), ông Nguyễn Đức Ninh – Tổng giám đốc CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã: DHB) cho biết: “Nhu cầu trong nước thấp, tiêu thụ khó khăn; lượng hàng tồn kho cao; cạnh tranh với phân bón ngoại ngày càng gay gắt; kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã làm ảnh hưởng tới các đối tác thương mại lớn, từ đó làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có phân bón”.

Theo báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm 2023, Đạm Hà Bắc tiêu thụ 221.000 tấn Urê, đạt 48% kế hoạch năm, so với cùng kỳ đạt gần 90% và thu về 2.086 tỷ doanh thu. Tuy nhiên công ty lỗ 480 tỷ. Nguyên nhân chính là giá Urê đã giảm hơn một nửa với cùng kỳ, trong khi giá đầu vào là giá than lại tăng so với 2022.

Tại CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM), tình hình cũng không khả quan hơn khi doanh thu thuần 6 tháng đạt 6.026 tỷ đồng, giảm 26% cùng kỳ. Trong cơ cấu tổng doanh thu, mảng bán Urê sụt giảm gần 35%, đây cũng là mảng đem lại doanh thu lớn nhất với 68% cơ cấu. Sau thuế, DCM báo lãi gần 520 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu 6 tháng đầu năm của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) cũng ghi nhận giảm 36% so với cùng kỳ, xuống 7.049 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn 9 lần, xuống 368 tỷ đồng. 

Cùng thời gian, doanh thu của CTCP Phân bón Bình Điền (mã: BFC) đạt 3.739,5 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 49 tỷ đồng, giảm 76% (trong đó lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 60 tỷ đồng, giảm 46%).

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp

Ngoài những khó khăn khách quan của thị trường, doanh nghiệp phân bón Việt đang đối diện với những bất lợi đến từ chính sách thuế. Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015.

Khi Luật Thuế 71 được thực thi, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước là đối tượng tác động trực tiếp cũng như là đối tượng điều chỉnh giá bán.

Theo phản ánh của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế giá trị gia tăng được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất. 

Thực hiện theo Thông báo kết luận số 1486, Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng đề án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, để đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chờ phục hồi về cuối năm?

Trong phân tích hồi tháng 6, Chứng khoán MB (MBS) nhận định, chính sách hạn chế xuất khẩu phân phân bón của Nga và Trung Quốc đã được nới hoặc sắp hết hạn khiến nguồn cung phân bón tăng và làm giá phân bón giảm. Giá phân bón có thể giảm nhiều hơn mức giảm của giá khí nguyên liệu đầu vào và giá dầu thế giới cũng có xu hướng điều chỉnh nhưng không đồng pha với mức giảm của giá phân urê.

Cùng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặc dù dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ phục hồi nhưng vẫn không bù đắp được mức sụt giảm giá phân bón. Trong bối cảnh đó, các công ty sản xuất - kinh doanh phân bón đã chủ động lên kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2023.

Đạm Hà Bắc dự kiến năm 2023 đạt doanh thu 4.615 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 931 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 47,6% so với mức thực hiện năm 2022. DPM dự kiến năm 2023 đạt doanh thu 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,6% và gần 60% so với mức thực hiện năm 2022. Đánh giá nhu cầu thị trường có xu hướng giảm, nhà máy DPM có kế hoạch điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất để cân đối với khả năng tiêu thụ. Hay tại DCM cũng đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 13.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.383 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 18% và giảm 70% so với năm 2022. 

Tuy nhiên, những tín hiệu của thị trường cũng đã hé lộ phần nào tình hình "sáng" hơn về cuối năm, được tác động bởi nhu cầu trong nước và thế giới.

Với nhu cầu phân bón thế giới được IFA ước tính đạt 195.800 tấn, phục hồi 1,5% từ mức thấp trong năm 2022. Trong đó, nhu cầu Ure toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7%; nhu cầu DAP tăng từ 4-7% so với năm trước nhờ giá nông sản chính thế giới được dự báo vẫn ở mức cao do đó hỗ trợ khả năng chi trả cho phân bón, thúc đẩy thêm nhu cầu tiêu thụ phân bón nhất là ở các nước trong khu vực Bắc và Nam Mỹ - nơi có nhu cầu sản xuất đậu tương và ngô.

Nhu cầu trong nước được dự báo tăng 20% so với cùng kỳ, đạt mức hơn 10 triệu tấn/năm trong 2023 nhờ nông sản được đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại, điều này khuyến khích nông dân trong nước tái đầu tư sản xuất, qua đó giảm bớt áp lực tồn kho.

Cụ thể, AgroMonitor ước tính nhu cầu phân bón của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10-18% so với năm 2022 nhưng sẽ thấp hơn khoảng 8-13% so với 2021. Trong đó, dự kiến tăng mạnh chủng loại DAP (28-46%), Ure (12-16%), Kali (15-26%), các chủng loại khác tăng thấp hơn NPK (7-14%), SA (7-11%),...