Lạm phát Anh cao nhất 40 năm
Lạm phát kỷ lục
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh tăng 9% vào tháng 4, là mức cao nhất kể từ năm 1989 và vượt xa ngưỡng 7% được ghi nhận vào tháng 3 năm nay. So với tháng 3, CPI tháng 4 thăng 2,5%.
Như vậy, lạm phát giá tiêu dùng tháng 4 gần như gấp đôi tỷ lệ mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo 6 tháng trước. Tuy nhiên, Thống đốc BoE Andrew Bailey, tuyên bố rằng vấn đề này sẽ chỉ là tạm thời.
Nền kinh tế Anh đang phải đối mặt thách thức lớn là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể trong quý đầu tiên của năm cùng với lạm phát cao.
Từ ngày 1/4, cơ quan quản lý năng lượng của Anh (Ofgem) đã tăng giới hạn giá năng lượng gia dụng lên 54% sau khi giá nhập khẩu năng lượng tăng vọt do ảnh hưởng từ diễn biến quốc tế. Cơ quan này đã không loại trừ khả năng sẽ tăng thêm giới hạn giá tại các cuộc đánh giá định kỳ trong năm nay.
Nguy cơ suy thoái hiện hữu
Phòng Thương mại Anh (BCC) cảnh báo rằng tỷ lệ lạm phát chóng mặt và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt các hộ gia đình phải đối mặt đang làm tổn hại đến khả năng đầu tư và hoạt động kinh doanh của các công ty.
Suren Thiru, nhà kinh tế tại BCC cho biết: “Quy mô lạm phát chưa từng có đang gây tổn hại đến các động lực chính của nền kinh tế Anh, bao gồm chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Tình trạng này có khả năng đẩy Anh vào suy thoái ở quý thứ ba của năm.”
Đồng thời, BCC dự đoán trong nửa năm tiếp theo, lạm phát tại Anh có thể lên tới 10%. Cơ quan này kêu gọi chính phủ Anh hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua "bão giá" bằng cách đảo ngược mức tăng gần đây đối với phí Bảo hiểm Quốc gia - một loại phí đánh vào thu nhập và cắt giảm VAT (thuế giá trị gia tăng) trên hóa đơn năng lượng của doanh nghiệp.
Áp lực lên ngân hàng trung ương Anh
Ngân hàng Trung ương Anh đã thực hiện tăng lãi suất trong bốn cuộc họp liên tiếp gần nhất, qua đó đưa mặt bằng lãi suất cơ bản từ mức thấp nhất trong thời kỳ đại dịch là 0,1% lên mức cao nhất trong 13 năm là 1%. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp kiềm chế lạm phát mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 0,25% người Anh đã phải cắt giảm tiêu dùng thực phẩm vì áp lực lạm phát và khủng hoảng lương thực. Thống đốc BoE Andrew Bailey từng gọi đây là viễn cảnh “ngày tận thế” đối với người tiêu dùng.
Lạm phát dường như ngày càng gia tăng áp lực với các hộ gia đình vốn đã không dư dả về chi phí sinh hoạt, trong khi đó, những nhà kinh tế cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
“Không giống như Mỹ, lạm phát ở Anh sẽ tiếp tục tăng làm dấy lên thêm những lo ngại về chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng”, Richard Carter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất cố định tại Quilter Cheviot, dự báo. “Tình trạng này cũng sẽ gia tăng áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh trong việc thực hiện tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, đồng thời cơ quan này phải theo dõi sát sao tình hình giá cả tăng vọt, mặc dù chính họ thừa nhận rằng có nhiều yếu tố làm trầm trọng thêm lạm phát ngoài tầm kiểm soát.”
Ông Carter nhận định thêm rằng chính phủ Anh còn phải chịu thêm áp lực trong việc thu hẹp các đòn bẩy tài chính và tìm cách giảm bớt gánh nặng nợ cho các hộ gia đình vào mùa thu.
Khủng hoảng nguồn cung được xác định là nguyên nhân làm tăng giá năng lượng và hàng hóa. Thêm vào đó, thị trường lao động cạnh tranh gay gắt càng khiến tình trạng khó khăn hiện tại trở nên khó khắc phục.
“Lần đầu tiên có ít người thất nghiệp hơn số việc làm còn trống, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp nhất trong gần 50 năm. Trong bối cảnh chi phí nhảy vọt, người lao động đang yêu cầu mức lương cao hơn trước”, Ambrose Crofton, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho biết. Mức tăng trưởng thu nhập ở Anh hiện đang là 7%.
“Rủi ro là nếu Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất quá nhanh vào thời điểm người tiêu dùng đã cảm thấy khó khăn, họ có thể giảm nhu cầu tiêu dùng và điều này sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, chuyên gia JPMorgan phân tích.
Do đó, các chiến lược gia của JPMorgan tin rằng BoE sẽ cố gắng đạt được sự cân bằng bằng cách thận trọng tăng lãi suất từng đợt, đồng thời theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế để tìm dấu hiệu điều chỉnh của thị trường lao động hoặc áp lực tiền lương.