World Bank khuyến nghị Việt Nam theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát

Nguyễn Thị Thùy Dung 16:20 | 13/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới (World Bank) gần đây vừa công bố cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5, trong đó nhận định kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà phục hồi bất chấp những bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, giá cả leo thang trên thị trường thế giới và điều kiện tài chính thắt chặt.

Đà phục hồi kinh tế bất chấp bất định gia tăng trên toàn cầu

Tại báo cáo tháng 5, World Bank đưa ra một số đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam dựa trên những số liệu vĩ mô do Tổng cục Thống kê công bố gần đây.

Theo đó, về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 của Việt Nam tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 51,7 trong tháng 4, không thay đổi so với tháng 3 và đánh dấu 7 tháng tăng trưởng liên tiếp.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng tốc từ 17,0% trong tháng 3 so cùng kỳ năm trước lên 25,2% trong tháng 4. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh, nhập khẩu lại đi ngang phản ánh một phần rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của chính sách Zero-COVID ở Trung Quốc.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn FDI đăng ký giảm 12,6% trong tháng 4, tháng giảm thứ 3 liên tiếp. World Bank nhận định tác động của cuộc chiến tranh tại Ukraine và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt, bất định toàn cầu gia tăng có thể đã khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên vốn FDI thực hiện vẫn tăng trưởng 7,1% so cùng kỳ năm trước, tháng tăng thứ năm liên tiếp.

Đáng chú ý, tăng trưởng doanh thu bán lẻ trong tháng 4 đạt 12,1%, tăng từ mức 10,4% trong tháng 3 do nhu cầu trong nước vốn đang được củng cố lại tiếp tục mạnh mẽ hơn nhờ người dân tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và du khách quốc tế đã bắt đầu quay lại. 

“Kết quả đáng chú ý này phản ánh cả sự tăng trưởng vững chắc của doanh thu bán lẻ hàng hóa (tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước) và sự hồi phục mạnh mẽ của doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tăng 11,0% so cùng kỳ năm trước, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trong tháng 3). Sự phục hồi của dịch vụ tiêu dùng được dẫn dắt chủ yếu bởi doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ (tăng đến 14,8% so cùng kỳ năm trước)”, báo cáo của World Bank nêu rõ.

Một điểm đáng quan tâm khác mà World Bank chỉ ra là tăng trưởng tín dụng tăng 16,4% trong tháng 4 (so với cùng kỳ năm ngoái) từ mức 15,9% trong tháng 3, tốc độ cao nhất kể từ tháng 1/2018. Theo nhóm nghiên cứu World Bank, tăng trưởng tín dụng nhanh hơn có thể phản ánh nhu cầu tín dụng cao hơn do người tiêu dùng tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong mùa hè. 

Từ những con số khả quan này, World Bank nhận định nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi bất chấp bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến xung đột ở Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt. 

Thận trọng với rủi ro lạm phát

Dù lạc quan vào đà phục hồi kinh tế, các chuyên gia World Bank cảnh báo Việt Nam vẫn cần thận trọng với các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay, và đặc biệt là với lạm phát.

Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 2,4% của tháng 3. Sau ba tháng liên tiếp tăng nhanh, giá xăng tháng 4 giảm 2,5% so với tháng trước, phản ánh xu hướng toàn cầu, trong khi giá dầu diesel tăng 7,0%. Mặc dù vậy, so với 1 năm trước, giá xăng dầu vẫn cao hơn gần 50% và tiếp tục là yếu tố đóng góp vào lạm phát lớn nhất thông qua nhóm giao thông. Giá lương thực, thực phẩm trong tháng 4 cũng tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ tăng trong tháng 3.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, cũng tăng từ 1,1% trong tháng 3 lên 1,5% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước), tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 12/2020. 

(Ảnh: WB)

World Bank nhận định đà tăng giá cả phản ánh tác động của cả yếu tố cung và yếu tố cầu. Về phía cung, một phần tăng trong giá hàng hóa thế giới và chi phí giao thông đã được chuyển sang giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác trong nước. Về phía cầu, lạm phát do cầu kéo cũng bắt đầu hoạt động khi nhu cầu trong nước vốn đang được củng cố lại được đẩy mạnh hơn nhờ người dân tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài. Điển hình là chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng tốc từ 0,5% trong tháng 3 lên 1,8% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước), tỷ lệ tăng cao nhất kể từ đầu đại dịch. 

Báo cáo của World Bank khuyến nghị Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát trong bối cảnh cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên. Trong kịch bản lạm phát tiếp diễn trong trung hạn, World Bank cho rằng “nền kinh tế nên được cho phép điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, với các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tổng cung”.

Trong báo cáo kinh tế Việt Nam với tựa đề “Lấy lại hào quang chiến thắng” vừa công bố gần đây, Ngân hàng HSBC cũng nhận định Việt Nam phải đối mặt với áp lực kiểm soát lạm phát trong năm nay, mặc dù sức ép này vẫn ở mức thấp nếu so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong năm 2022, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7%, tức vẫn nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng dự báo về lạm phát của Việt Nam năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra con số 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu 4% trong khi Ngân hàng Standard Chartered cho rằng con số có thể vượt mục tiêu 4%.

Còn Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thì đưa ra hai kịch bản dự báo: Nếu giá dầu thế giới năm 2022 ở mức bình quân 80 USD/thùng lạm phát của Việt Nam có thể đạt mức 4,5% trong năm nay; tuy nhiên nếu giá dầu vọt lên trên 100 USD/thùng bình quân thì lạm phát có thể tăng tới mức 5,1%.