Luật đất đai (sửa đổi): Làm rõ phương pháp xác định giá đất

Đông Bắc 14:57 | 09/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Góp ý tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), liên quan đến vấn đề giá đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai. Và trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất.

  

Sáng 9/6, góp ý tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), liên quan đến vấn đề giá đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn Nghị quyết 18 quy định phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định rõ phương pháp xác định giá đất.

Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất; nội dung, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai. Và trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó trong Luật này phải quy định về nguyên tắc xác định giá đất cũng như phương pháp xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

"Bên cạnh vấn đề tường minh, trí tuệ của toàn dân, của Quốc hội, của cả xã hội chắc chắn sẽ đóng góp tốn hơn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh Quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội dẫn nghị quyết cho TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm lần này, một trong những điểm quan trọng nhất là Thành phố kiên trì đề xuất vẫn thí điểm phương pháp hệ số K, bởi phương pháp này minh bạch và dễ làm. Với hệ số K sẽ giải quyết được vấn đề giá đất giáp ranh trong cùng một tỉnh, nhất là vấn đề giữa hai tỉnh với nhau. Hay một bên là đô thị đặc biệt, một bên tỉnh thường.

"Nếu không quy định rõ phương pháp xác định giá đất trong Luật thì làm sao Quốc hội an tâm để thông qua dự án Luật này. Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ trình vấn đề này ra, đưa vào một chương hay một vài điều trong Luật, trong đó quy định về nguyên tắc, quy định về phương pháp xác định giá đất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về vấn đề lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định thế nào cho thực chất, tránh chuyện lấy cho có, hình thức.

"Nếu như không đạt được tỷ lệ 100% đồng ý thì bao nhiêu % có thể ra được quyết định. Trong trường hợp người dân không đồng ý thì thì trường hợp nào xác định là đồng thuận và không đồng thuận?…", Chủ tịch cho biết đồng thời nhấn mạnh phải quy định rõ vấn đề này.

Ngoài ra, nếu trường hợp ý kiến của nhân dân không đồng thuận với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì cơ quan thẩm quyền có xem xét sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không? Sửa đổi toàn bộ, hay sửa đổi một phần? Trong trường hợp bảo lưu thì trách nhiệm giải trình thế nào?

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nếu không quy định cụ thể thì tính khả thi rất thấp, rất khó cho những người điều hành ở dưới.

"Cải tạo chung cư cũ mà cứ đòi 100% đồng thuận như Hà Nội thì không bao giờ làm được. Lấy ý kiến quy hoạch phải thực chất", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề nếu không quy định kỹ sẽ rất khó vận hành và nếu vận hành thì chưa biết "chẳng phải đầu lại phải tai".

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều khó tránh khỏi, tất yếu. Do đó cần bổ sung quy định, nguyên tắc của việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện rà soát việc điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để hạn chế việc thay đổi không cần thiết, tùy tiện. Quy định bổ sung chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới có đủ sức răn đe.

Quy định Nhà nước thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại chưa rõ ràng

Cũng trong sáng nay, thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã có sự thay đổi lớn so với trước.

Cụ thể, dự thảo mở rộng, liệt kê 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, quy định như tại điểm e và điểm g khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu sang các trường hợp đấu giá tạo lập quỹ đất và đấu thầu là chưa rõ nội hàm, mâu thuẫn về cách tiếp cận so với các trường hợp khác được xác định theo tính chất, mục tiêu của dự án, hoạt động, công trình xây dựng.

  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh Quochoi.vn.

“Đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất chỉ là cách thức giao đất, cho thuê đất, không phải là tiêu chí để xác định trường hợp thu hồi đất”, ông Thanh nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo ông, điểm e khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 112, trong đó, liệt kê các dự án sử dụng đất mà Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả “dự án nhà ở thương mại” còn chung chung, chưa đủ rõ ràng.

"Các trường hợp thực hiện “dự án nhà ở thương mại” mà Nhà nước thu hồi đất, khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không, phân biệt với trường hợp chủ đầu tư thực hiện “dự án nhà ở thương mại” thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất mà mình đang có", ông Thanh nêu.

Từ đó, ông Thanh nhấn mạnh, các quy định về nội dung này chưa thể chế rõ nội dung Nghị quyết số 18 về: “Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng điểm g khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu đến điểm b khoản 1 Điều 126 là “dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 05 ha trở lên tại khu vực đô thị” cũng không hợp lý, không xác định được “trường hợp thu hồi đất để đấu thầu” trước, hay xác định “danh mục công trình, dự án thực hiện đấu thầu” trước.

“Đây là quy định quan trọng của Luật Đất đai, khoanh định các trường hợp thu hồi đất của tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất, có tác động lớn đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, chỉ được thực hiện khi được quy định tại Hiến pháp, luật và đáp ứng tiêu chí “để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Vì vậy, cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh cách hiểu khác nhau, gây vướng mắc trên thực tiễn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.