Netflix tại Việt Nam buộc có nghĩa vụ nộp thuế

07:18 | 21/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Netflix có khoảng 300.000 thuê bao tại Việt Nam. Mỗi tháng, người dùng phải trả từ 180.000 đến 260.000 mỗi tháng để sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, đơn vị này chưa từng thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Tại Họp báo quý 3 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia diễn ra vào ngày 20/10, liên quan tới việc chống thất thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết dịch vụ truyền hình trả tiền Netflix của Mỹ tới đây sẽ phải đặt văn phòng tại Việt Nam, cung cấp dữ liệu để cơ quan thuế có cơ sở quản lý, thu thuế theo quy định.

Theo đại diện của Tổng cục Thuế, Luật An ninh mạng hiện đã có hiệu lực thi hành. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam phải có lưu trữ dữ liệu tại đây, có nghĩa vụ phải kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế.

Theo dữ liệu các ngân hàng cung cấp, chỉ riêng tại Hà Nội đã có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân có hoạt động bán hàng online với tổng thu nhập 1.462 tỷ đồng từ Google, Facebook, Youtube... Qua đó, cơ quan thuế đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, kê khai nộp thuế và truy thu gần 14 tỷ đồng.

Với hoạt động cho thuê nhà qua các ứng dụng như Booking, Agoda, Airbnb, cơ quan thuế xác định các tổ chức, cá nhân đạt doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm nay. Nhờ đó, đơn vị này cũng thu thuế được 93 tỷ đồng. 

Netflix tại Việt Nam buộc có nghĩa vụ nộp thuế - ảnh 1

Tại Việt Nam, lãnh đạo Netflix đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để đặt văn phòng dữ liệu và nộp thuế. 

Netflix là dịch vụ phát trực tuyến các chương trình truyền hình, phim cùng nhiều nội dung khác trên các thiết bị có kết nối internet.  Doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ vào Việt Nam từ năm 2016, hiện có khoảng 300.000 thuê bao ở Việt Nam.

Netflix thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, như vậy doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD. Tuy nhiên, Netflix lại không chịu sự quản lý như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ về thuế và phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định. 

Trước đó vào cuối tháng 7/2020, trong văn bản "cầu cứu" gửi Thủ tướng, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) đã đề xuất sớm xử lý, ngăn chặn các trang mạng xã hội, các chương trình trực tuyến xuyên biên giới.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục củng cố hành lang pháp lý, phối hợp với ngân hàng thương mại, các bộ, ngành làm sạch cơ sở dữ liệu để quản lý thuế. Đồng thời, ngành thuế cũng đẩy mạnh thanh, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức đã được tuyên truyền, hỗ trợ về phương tiện kê khai nhưng chây ì, không tự giác nộp thuế.

Lệ Vỹ (T/h)