Ngành dệt may: Kỳ vọng mảng xơ sợi dẫn đầu phục hồi và bước ngoặt từ thị trường Trung Quốc

Thùy Dương 13:57 | 15/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, từ đó các chuyên gia kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn kể từ quý III năm nay.

Tín hiệu phục hồi từ xuất khẩu dệt may

Theo ước tính từ Bộ Công Thương, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam giảm 16,7% so với cùng kỳ (svck), đạt 21,5 tỷ USD. Nguyên nhân là trong bối cảnh chi phí đi vay cao và kinh tế tăng trưởng chậm lại dẫn đến tốc độ tăng trưởng thu nhập khả dụng của người tiêu dùng yếu đi, hoạt động xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng từ nhu cầu yếu tại các thị trường lớn.

Tuy nhiên, dữ liệu qua các tháng đã cho thấy sự phục hồi. Cụ thể, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7 đã tăng 4,1% so với tháng trước, đạt 3,65 tỷ USD (sau khi tăng trưởng tích cực ở mức 13,2% sv tháng trước trong tháng 6).

 

 

Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu xơ, sợi dệt tăng 2,5% svck lên 988.300 tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 19,9% về 2,48 tỷ USD do giá bán giảm sau khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa, bông cotton) hạ nhiệt từ vùng cao trong nửa đầu năm 2022.

Tính riêng tháng 7, sản lượng xuất khẩu xơ sợi ước đạt 160.000 tấn, tương đương với mức tăng 6,7% svck và 45,4% so với tháng 6.

Dựa trên số liệu từ Bộ Công Thương, nhóm phân tích CTCK VNDIRECT trong báo cáo mới nhất (ngày 11/8) cho rằng nhu cầu tiêu thụ đang ở trong quá trình phục hồi.

Kim ngạch xuất khẩu vải và hàng may mặc đạt 19,02 tỷ USD trong 7 tháng qua, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng tháng 7 ghi nhận đạt 3,26 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng trước.

 

 

 

Thực tế, trong nửa đầu năm qua, doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UpCOM: VGT) giảm 15,5% svck đạt 8.119 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng chỉ đạt 62,3 tỷ đồng, giảm mạnh 88,4% svck. CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) ghi nhận doanh thu giảm 20,4% svck về mức 2.179 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 41,1% svck về mức 110,6 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm 2023. CTCP Dệt May Thành Công (HOSE: TCM ) ghi nhận doanh thu đạt 1.591 tỷ đồng (giảm 26,7% svck) và lợi nhuận ròng đạt 56,4 tỷ đồng (giảm 55,9% svck). Riêng doanh thu lũy kế 6 tháng của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG ) tăng nhẹ 2,8% svck lên 3.334 tỷ đồng nhờ thực hiện các đơn hàng đã ký trong Q4/22, tuy nhiên lợi nhuận ròng của công ty đã sụt giảm 21,3% svck về mức 98,6 tỷ đồng.  

Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên đều cho thấy vấn đề sụt giảm nằm ở doanh số bán hàng sụt giảm và chi phí tài chính tăng cao.

Mặt khác, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi đã cải thiện dần từ trong nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên liệu cotton đã giảm đáng kể so với vùng giá trong nửa đầu năm 2022 và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc trở lại. CTCP Damsan (HOSE: ADS) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 14,1% svck lên 970,2 tỷ đồng, lợi nhuận ròng giảm 20,7% svck về 37,3 tỷ đồng, chủ yếu do phải gia tăng chi phí cho việc nâng cấp máy móc (từ mức 10,6 triệu đồng của cùng kỳ năm 2022 lên 3,3 tỷ đồng). Tính riêng quý II, doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty đều tăng trưởng tích cực, lần lượt tăng 66,7% và 13,4% svck và tăng 129,2% và 89,2% so với quý liền trước.

Phía các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester ghi nhận mức tăng trưởng yếu hơn do có nền cao cùng kỳ nửa đầu năm ngoái. 

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận ròng của Tổng CTCP Phong Phú (UpCOM: PPH) lần lượt giảm 13,0% và 34,6% svck về mức 781,2 tỷ đồng và 209,9 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm 2023. Doanh thu của CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) giảm 40,6% svck về mức 695,2 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sụt giảm 73,4% svck (về mức 39,1 tỷ đồng) sau khi chi phí lãi vay tăng mạnh 203,3% svck (lên 8,6 tỷ đồng) trong 6 tháng qua. 

Tuy nhiên, nhu cầu đối với sản phẩm thuộc phân ngành này đã và đang dần phục hồi. Cụ thể, trong quý II STK ghi nhận doanh thu tăng 41,5% sv quý trước (đạt 407,3 tỷ đồng) và lợi nhuận ròng gấp 22 lần so với quý I (đạt 37,5 tỷ đồng). 

    Kết quả kinh doanh phân hóa, nhóm xơ sợi chiếm lợi thế. Nguồn: VNDIRECT 

Chờ đợi bước ngoặt đến từ triển vọng của thị trường Trung Quốc 

Trong thời gian tới, nhóm phân tích VNDIRECT kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ cho thấy các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn vào quý IV/2023 và quý I/2024. Các nhà sản xuất sợi với tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao như ADS sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này.

Về tình hình 6 tháng đầu năm qua, kim ngạch xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc của Việt Nam đã giảm 20,7% svck, đạt mức 1,04 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị được ghi nhận trong quý II đã tăng mạnh 42,1% so với quý trước và đạt 610,7 triệu USD, nhích nhẹ so với con số của cùng kỳ năm 2022 (đạt 609,7 triệu USD).

Giá trị nhập khẩu sợi và vải của Trung Quốc đã tạo đáy từ quý IV/2022 và tăng 22,3% so với quý trước trong quý II/2023 lên mức 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn 13,6% svck do giá sản phẩm giảm.

Theo VNDIRECT, chỉ số giá đầu vào cho các nhà sản xuất sợi ở Trung Quốc đã tăng nhẹ 0,1% và 0,3% so với tháng trước trong tháng 5 và tháng 6, cho thấy nhu cầu đang phục hồi. Doanh số bán lẻ các mặt hàng dệt may và giày dép tính đến tháng 5 năm nay đã tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,3% svck, đạt 107,6 tỷ Nhân dân tệ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ, cũng như giảm lãi suất tiết kiệm để kích thích dòng tiền chảy ngược lại ra tiêu thụ và đầu tư; hàm ý kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này sẽ sớm phục hồi.