Ngành du lịch Việt Nam thiệt hại nặng nề vì COVID-19, giảm 80% khách du lịch quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị du lịch toàn quốc sáng 28/11, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết từ đầu năm, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam, ước tính thiệt hại lên đến 23 tỷ USD.
Sáng 28/11, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tổ chức Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết “Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD”.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung, hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan.
Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11.2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).
Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống. Qua đại dịch COVID-19, chúng ta càng thấy rõ vai trò và sức lan toả của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan.
Trong thời gian tới, du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác và khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, nâng dần tỷ lệ đóng góp của khách du lịch nội địa vào tổng thu du lịch. Còn thị trường khách quốc tế, cần cơ cấu lại theo nhu cầu của khách du lịch đối với từng loại hình sản phẩm du lịch cụ thể, tập trung vào các sản phẩm như nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch hội nghị - hội thảo, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Du lịch Việt Nam giảm 80% lượng khách quốc tế năm 2020
Một số sản phẩm du lịch được dự báo nhận được sự quan tâm lớn gồm du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng, đến các điểm đến an toàn với nhiều trải nghiệm tại một điểm đến thay vì khám phá nhiều điểm đến trong một chuyến đi. Việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cần nhấn mạnh vào tăng tính trải nghiệm cho khách, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong việc xây dựng sản phẩm du lịch cần được quan tâm, giải quyết.
Theo Bộ trưởng, các địa phương cũng cần tăng tốc chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch, thông tin các điểm đến, các sản phẩm du lịch của các địa phương, hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông giữa Trung ương và địa phương và có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp khai thác, phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch. Việc nghiên cứu thị trường khách du lịch và việc số hóa cơ sở dữ liệu về thị trường khách du lịch chưa cần cập nhật thường xuyên, đồng bộ…
Khánh Linh