Nhóm bất động sản phát hành 27.000 tỷ đồng trái phiếu trong quý III
Theo thống kê của người viết, trong quý III/2023 (tính đến ngày 27/9), có 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công bố huy động vốn thành công thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước với tổng giá trị khoảng 27.000 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh so với quý trước đó (hơn 6.000 tỷ đồng) và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 8.000 tỷ đồng).
Trong danh sách nói trên, doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn nhất phải kể đến Công ty TNHH Capitaland Tower với 4 lô trái phiếu có tổng giá trị gần 12.240 tỷ đồng. Các trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng (đáo hạn vào cùng ngày 25/7/2028) và lãi suất thực tế 1% mỗi năm. Capitaland Tower là đơn vị phát triển dự án The Sun Tower (Landmark 60 Bason) tại khu đất 6.042 m2 thuộc Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son.
Tiếp theo phải kể đến Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt với 4.100 tỷ đồng, CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) 2.333 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC – Mã: BCM) 2.000 tỷ đồng, CTCP Phú Thọ Land 1.900 tỷ đồng, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) 1.000 tỷ đồng,…
Áp lực dòng tiền vẫn lớn
Thực tế, trong bối cảnh lượng trái phiếu sắp đáo hạn vẫn ở mức cao, việc gia tăng phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây của nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng phần nào nhằm mục đích tái cấu trúc nợ. Diễn biến này được cho là bình thường trong bối cảnh thị trường địa ốc còn nhiều khó khăn.
Khả năng hấp thụ vốn tín dụng của cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà còn khá yếu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, mới tăng khoảng 4,6% so với cuối năm 2022 (tức có thêm khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng quy mô tín dụng tăng thêm của toàn nền kinh tế), tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 17,41%. Ngược lại, tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng đánh giá, ngân hàng đang ế vốn nhưng doanh nghiệp lại thiếu vốn bởi một trong những nguyên nhân là rủi ro của nền kinh tế đang tăng lên và rủi ro từ phía khách hàng của các ngân hàng cũng tăng lên. Theo đó, tình hình vốn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản cũng đang rơi vào bế tắc. Bởi ngân hàng sợ rủi ro, còn tài sản bất động sản thì không còn đủ giá trị để thế chấp.
Vị này phân tích, nhiều ngân hàng rất thích mua trái phiếu của doanh nghiệp địa ốc phát hành vì trái phiếu được đảm bảo bằng bất động sản, trong khi rất nhiều doanh nghiệp này cũng đang là khách hàng của ngân hàng. Nhưng thời gian vừa qua, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều ngỡ ngàng vì tài sản bất động sản ảm đạm, tài sản mất giá. Ngân hàng cho vay ở mức 70 - 80% trên giá trị tài sản nhưng khi giá trị tài sản giảm đến 50% thì giá trị thực của thế chấp còn thấp hơn dư nợ nên ngân hàng sợ cho vay.
"Ngân hàng giảm lãi suất là tốt cho những doanh nghiệp muốn vay và có thể vay được, điều này sẽ giúp họ giảm chi phí hoạt động. Nhưng với doanh nghiệp bất động sản, giảm lãi suất không phải là "cây đũa thần" khi các chủ đầu tư địa ốc không vay được bởi tình hình tài chính của họ suy giảm, họ không còn tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo của họ đang giảm giá.
Các doanh nghiệp bất động sản không sợ lãi suất cao khi mà họ có thể kinh doanh bán ra sản phẩm để thu lời. Lãi suất không phải vấn đề cho các chủ đầu tư địa ốc, do đó dù NHNN đã giảm lãi suất 4 lần trong thời gian qua nhưng thị trường vẫn trầm lắng", ông Hiếu nói.
Do đó, chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, vấn đề khai thông nguồn vốn có lẽ phải đợi sang năm 2024.