Nghệ An: Lên phương án để phục hồi ngành du lịch “hậu Covid”

08:00 | 23/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nghệ An là tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và dịch vụ. Do tác động của đại dịch Covid-19 khiến lượng khách đến Nghệ An suy giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng lặng, phải ngừng hoạt động, lao động không có việc làm, khiến doanh thu ngành Du lịch sụt giảm mạnh.

Khó khăn trước làn sóng dịch Covid-19

Sau bốn đợt dịch bùng phát liên tiếp, mà đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 với chủng mới nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp và khó lường đã tác động đến hầu hết mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ngành Du lịch tỉnh Nghệ An cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, không tránh khỏi vòng xoáy của những khó khăn và khủng hoảng, thậm chí khủng hoảng có lúc chạm đến mức đáy khi mọi hoạt động đưa, đón khách đều tê liệt, nhiều doanh nghiệp làm du lịch không thể tồn tại, buộc phải đóng cửa, dừng kinh doanh hoặc chuyển đổi sang một số ngành nghề khác để mưu sinh.

Nghệ An có nhiều vùng danh lam thắng cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa, bờ biển dài tới 82km với nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn. Phía Tây có 2/3 diện tích đất tự nhiên là vùng rừng núi với nhiều hang động, thác nước huyền ảo. Khu dự trữ sinh quyển phía Tây Nghệ An là 1 trong 6 vùng lớn nhất thế giới có rừng nguyên sinh và nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống. Nghệ An còn có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử đặc sắc với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng, trong đó có hơn 410 di tích được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Đặc biệt, có 3 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.

Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn một trong những điểm thu hút khách du lịch ngoại tỉnh

Theo báo cáo của Sở Du lịch, năm 2020, lượng khách du lịch đạt 3.525.500 lượt, trong đó, khách lưu trú đạt 2.684.000 lượt, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2019; khách quốc tế đạt 19.320 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 4.720 tỷ đồng, trong đó, doanh thu du lịch ước đạt 2.570 tỷ đồng.

Những năm gần đây, bên cạnh bãi biển Cửa Lò và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, không gian và điểm đến du lịch Nghệ An đang từng bước được mở rộng. Từ đảo chè Thanh Chương, thung lũng hoa tam giác mạch, cánh đồng hoa hướng dương tại huyện Nghĩa Đàn đến du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm miền Tây xứ Nghệ... đều đã trở thành những địa chỉ lý tưởng, thu hút đông đảo khách thăm quan.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất. Đối với Nghệ An, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch - dịch vụ. Qua 4 làn sóng dịch bùng phát, nhất là đợt dịch lần thứ 2 vào tháng 7/2020, khi ngành Du lịch mới hồi phục được sau 2 tháng, khiến nhiều tour, tuyến cho mùa du lịch Hè đã phải tạm dừng, trả lại đơn hàng. Năm 2021, dịch có từ trước Tết, đến tháng 4 bùng phát rồi kéo dài cho đến thời điểm này, càng khiến cho ngành Du lịch lao đao. Thực tế, tại Nghệ An, từ năm 2020, lượng khách và doanh thu du lịch bị suy giảm mạnh, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và của cả giai đoạn 2016 - 2020.

Một góc Thị xã Cửa Lò điểm nhấn của ngành du lịch Nghệ An

Trong 8 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại, nhất là cao điểm Tết Nguyên đán và kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 tiếp tục làm cho nhiều hoạt động du lịch phải hoãn, hủy; lượng khách và doanh thu bị suy giảm mạnh, mức chi tiêu bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và cơ sở dịch vụ khác phải tạm ngừng hoạt động, nhất là khu vực ven biển. Số lượng lao động phải nghỉ việc hoặc nghỉ việc luân phiên ngày càng tăng.

Theo thống kê số liệu khách du lịch nội địa cả nước 8 tháng đầu năm đạt 31,2 triệu lượt khách (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Riêng đối với tỉnh Nghệ An, lũy kế 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đón 1.670 nghìn lượt khách, bằng 61,29% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách lưu trú ước đạt 1.309 nghìn lượt, bằng 63,94% cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 3.196 lượt, bằng 16,94% cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 1.049 tỷ đồng, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Giải pháp kích cầu sau dịch

Hiện tại, cùng với các giải pháp phòng chống dịch ngày càng quyết liệt, hiệu quả của chính quyền các cấp từ Trung ương đến các địa phương, từ tỉnh đến cơ sở và cùng với đó là việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh, sự nối lại hoạt động du lịch nội tỉnh của một số địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh bắt đầu lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời ban hành các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực để ngành du lịch từng bước khôi phục. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa khơi thông được thị trường du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, vừa có thể bảo đảm an toàn phòng dịch.

Thời gian này, vẫn cần xác định du lịch nội địa là động lực phát triển chính. Yếu tố an toàn chỉ có thể kiểm soát khi bảo đảm được sự kết nối xanh - kết nối an toàn giữa du khách và người lao động trong lĩnh vực du lịch, giữa các điểm đến với nhau và giữa các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách.

Để thực hiện điều này, sản phẩm du lịch phải đáp ứng năm tiêu chí “xanh”, bao gồm: Thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Bên cạnh các quy định về yêu cầu tiêm vắc-xin đầy đủ, có chứng nhận hồi phục sau nhiễm dịch, chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính dành cho những người tham gia du lịch, các đơn vị cần liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch theo tour, dịch vụ khép kín với sự giám sát chặt chẽ của công ty lữ hành trên cơ sở lên phương án điều hành tour an toàn đối với từng loại hình.

Đảo chè Thanh Chương điểm dừng chân thu hút khách nội tỉnh và ngoại tỉnh

Các công ty cung cấp dịch vụ du lịch cần chuẩn bị sẵn những tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý. Đơn cử, trước đây, khi khách trong đoàn gặp sự cố về sức khỏe, hướng dẫn viên thường liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Hiện nay, nếu phát hiện du khách có biểu hiện nghi nhiễm SARS-CoV-2, việc đầu tiên là phải cách ly ngay người này khỏi Đoàn rồi mới gọi y tế của địa phương trợ giúp. Các phương án đưa, đón khách luôn phải được xây dựng dựa trên tham khảo cơ quan chuyên môn để có quy trình xử lý đúng nhất, nhanh nhất và ở phạm vi hẹp nhất. Các công ty lữ hành cũng cần thống nhất, làm rõ trước với du khách về các nội dung liên quan xét nghiệm, như số lần xét nghiệm, thời điểm xét nghiệm, chi phí y tế phát sinh ngay trên hợp đồng du lịch.

Là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã và đang triển khai khá nhiều hoạt động cụ thể để tăng cường quảng bá, thông tin xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Xây dựng các ấn phẩm, clip giới thiệu quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Nghệ An trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sự kiện du lịch trên nền tảng số, tăng cường các hoạt động đào tạo, hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp trên các trang thông tin đã phương tiện của đơn vị (Website, Fanpage, Zalo, Youtobe,…).

Hiện tại, Trung tâm cũng đã xây dựng kế hoạch để kết nối và đồng hành các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan tham gia chuỗi các sự kiện tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2021, dự kiến tổ chức vào ngày 25-28/11/2021, trong đó có sự kiện quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh Nghệ An đến với du khách trong và ngoài nước. Xây dựng các gian hàng ảo để tham gia các sự kiện du lịch lớn như “Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh, lần thứ 17 năm 2021” theo hình thức trực tuyến, dự kiến từ ngày 27/11 - 27/12/2021. Xây dựng kế hoạch tham gia triển lãm quảng bá hình ảnh Nghệ An, các tiềm năng và lợi thế kêu gọi thu hút đầu tư, giới thiệu các sản phẩm du lịch và hợp tác xúc tiến thương mại giữa Nghệ An với thị trường Trung Đông tại Triển lãm World Expo Dubai tại Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), dự kiến bắt đầu từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022,…

Ông Bùi Duy Đông, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết: Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, hoạt động du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm kích cầu du lịch, một trong những giải pháp được tỉnh ưu tiên tập trung, đó là tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch và các cơ quan đối ngoại để quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An ra thị trường quốc tế, khu vực; gắn xúc tiến du lịch với hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại của các cấp, các ngành ở trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch Nghệ An đến với khách du lịch.

Thác khe Kèm huyện Con Cuông một trong những điểm dừng chân của các tour du lịch cộng đồng

Trước mắt, tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông khôi phục, mở cửa hoạt động du lịch với thông điệp “Người Nghệ An đi du lịch Nghệ An”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Nghệ An an toàn, thân thiện, hấp dẫn” trên các báo, tạp chí, đài truyền hình ở trung ương, địa phương; qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến trong nước và ngoài nước.

Xây dựng các tua, tuyến an toàn, hấp dẫn, dịch vụ trọn gói như du lịch cho các Đoàn nhỏ, lẻ “đi - về trong ngày” hoặc “2 ngày, một đêm” khám phá các điểm đến du lịch xanh, cung đường du lịch xanh khám phá, trải nghiệm vùng miền Tây, xứ Nghệ. Xây dựng mô hình du lịch MICE đối với vùng trung tâm và khu vực Cửa Lò, Nam Đàn.

Với những quyết tâm và nỗ lực cao nhất, với tư duy và cách làm mới, biến những khó khăn thách thức hiện có, trở thành động lực để triển khai các nhiệm vụ.