Người dân Hà Nội kêu gọi nhau giải cứu nông sản Hải Dương
Trong lúc chờ các địa phương thông xe cho hàng từ Hải Dương, nhiều bạn trẻ đã cùng nhau tổ chức giải cứu hàng chục tấn nông sản.
Đọc được thông tin trên facebook, sáng sớm Chủ nhật, chị Dung cùng chồng ra điểm bán giải cứu nông sản cho bà con Hải Dương ở 38 Giải Phóng (Hà Nội). Trong lúc chồng chằng dây buộc sọt cà chua phía sau xe, chị Dung nhắn tin cho mấy người bạn bảo chia mỗi nhà một ít.
Chiều qua chị cũng có ra nhưng họ bán hết. Nhìn chồng loay hoay buộc sọt cà chua phía sau xe, chị thừa nhận gia đình không thể nào tiêu thụ hết gần 20 kg này. "Mình hỗ trợ bà con gặp khó khăn thôi. Giải cứu mà, mua về rồi chia cho mỗi nhà một ít", chị cho biết.
Người dân mua ủng hộ nông sản Hải Dương lúc 7h sáng 21/2 tại 38 Giải Phóng (Hà Nội)
Tấm biển màu đỏ ghi giải cứu nông sản và những sọt cà chua đầy ắp nằm dài trên vỉa hè thu hút rất nhiều người mua. Người mua ít thì một túi khoảng 5 kg, nhiều là một sọt hơn 20 kg. Hiện cà chua ở điểm bán này được niêm yết 20.000 đồng một túi 5kg, mua sọt là 80.000 đồng.
"Hôm nay bọn chị sẽ bán khoảng 15 tấn rau củ. Tầm 9-10h sẽ có xe chở su hào, súp lơ xanh về. Tối muộn có thêm chuyến nữa", chị Thuỷ, người đứng ra nhận bán nông sản cho bà con Hải Dương cho biết. Vì việc vận chuyển hàng khó khăn, chị cho biết, được xe hàng nào tốt xe đấy. Bắp cải được ghi 7.000 đồng một cái; su hào giá 10.000 đồng cho 4 củ; súp lơ xanh 5.000 đồng một cái; cà rốt 30.000 đồng một túi 5 kg.
Theo chị Thuỷ, trước tình trạng nông sản dư thừa ở Hải Dương, cá nhân, nhóm thiện nguyện ở các nơi đã liên kết lại với nhau qua mạng. Tại địa phương, những người này kết nối với Hợp tác xã Chí Linh, giúp bà con chuẩn bị nông sản, gửi ra Hà Nội. Nông sản, phương tiện vận tải được phun khử khuẩn 2 lần trên địa bàn Hải Dương, bao gồm ở hợp tác xã và chốt kiểm dịch.
Khi xe đến chốt kiểm dịch Quế Võ, Bắc Ninh, nhóm ở Hà Nội sẽ cắt cử một xe khác từ Thủ đô về đấu nối, vận chuyển hàng đi. Hàng hoá, xe tiếp tục được khử khuẩn một lần nữa. Sau gần 36 tiếng cho quãng đường hơn 80 km, nông sản sẽ về đến Hà Nội.
"Khi thông tin được đưa lên mạng, chiến dịch nhận được sự ủng hộ rất lớn", chị Thuỷ nói. Hôm qua, 15 tấn hàng gồm cà chua, su hào, súp lơ xanh, cà rốt... được bán hết trong vòng 6 giờ buổi sáng. Đến chiều, dù các sọt hàng trống không, cứ 3-5 phút lại có xe máy tấp lại để hỏi mua nông sản. Cuối cùng, những người bán buộc phải viết một tấm bảng thông báo đã hết hàng, mời người dân đến mua vào hôm sau.
2h chiều ngày 20/2, người bán thu dọn các sọt hàng rỗng sau khi bán hết khoảng 15 tấn nông sản
Số tiền bán hàng thu về hơn 23 triệu đồng sau khi trừ chi phí bao bì. Xăng, xe được các nhóm thiện nguyện ủng hộ. Chị Thuỷ cho biết, toàn bộ tiền sẽ được chuyển tận tay cho bà con nông dân dưới Hải Dương.
Dù vậy, chị Thuỷ cũng nói rằng việc bán nông sản ở vỉa hè không nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền. "Mình đánh liều bán thôi", chị nói. Chiều 20/2, một điểm bán giải cứu nông sản tại 39 Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy) không triển khai được dù rất nhiều người đã đến chờ mua nông sản từ sớm vì nghi ngại tập trung đông người.
Việc bán online với những người giải cứu cũng không khả dĩ vì lượng hàng lớn, nhân lực không đáp ứng được cho việc chốt đơn, gửi hàng. Tại điểm bán trực tiếp, chị Thuỷ cho biết phải huy động người nhà, nhân viên, hàng xóm cùng xử lý.
Người phụ nữ này cho rằng, nếu có sự giúp đỡ từ phía chính quyền, hàng hoá có thể được cứu trợ nhanh hơn. "Bọn chị còn nhiều lắm, 4.000 tấn mới giải quyết được 300 tấn gửi đi các tỉnh thôi", chị nói và nhấn mạnh thời tiết nắng nóng như hiện tại có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình rau củ...
Theo Sở Công Thương Hải Dương, sở và Bộ Công Thương đã có những kết nối để giúp nông sản tiêu thụ trong các siêu thụ như Central Retail, Go Big C, MM Mega Market...
Tuy nhiên, vì cách hiểu chưa thống nhất giữa các tỉnh, việc vận chuyển hàng hoá vẫn còn nhiều khó khăn, các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các cửa ngõ tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng ra vào Hải Dương. Thậm chí, một nguồn tin cho biết, có xe hàng chở cho siêu thị bị tắc ở chốt kiểm dịch, phía Công Thương gọi điện gỡ mà hơn 1 ngày vẫn chưa được.
Theo thống kê của Hải Dương, hiện lượng hàng hoá tồn đọng trên địa bàn còn rất lớn. Với nông sản, tỉnh còn 4.080 ha rau vụ đông đến kỳ thu hoạch. Trong đó, có 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá. Sản lượng ước tính khoảng 90.760 tấn. Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, su lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.
Theo VnExpress