Người dân "ôm nợ" bởi đầu tư vào bất động sản thời dịch

05:54 | 20/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đầu tư vào bất động sản đã hấp dẫn người dân trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên làn sóng dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế xáo trộn đã để lại hậu quả là những món nợ mà không phải ai cũng có thể trả.

Thị trường bất động sản đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều người trong những tháng đầu năm 2021. Bằng chứng là những đợt sốt đất đã gây đảo lộn thị trường trong quý 1 làm nhiều nhà đầu tư phải "lao mình" chạy đua theo những mảnh đất được giá. 

Số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ghi nhận nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ. Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.100 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, dù tổng vốn FDI giảm nhưng đáng ngạc nhiên bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam đón nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2021, đạt 1,15 tỷ USD. 

Người dân ôm nợ bởi đầu tư vào bất động sản thời dịch - ảnh 1

Giãn cách xã hội, phong tỏa khiến việc làm ăn bị đình trệ làm nhiều người điêu đứng với những món nợ khổng lồ từ đầu tư bất động sản. Ảnh minh họa: Vietnamnet

Tuy nhiên, dù hấp dẫn như vậy nhưng việc đầu tư bất động sản vào thời điểm hiện tại vẫn bị nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng cảnh báo là rủi ro lớn. Quả thật, làn sóng COVID-19 bùng phát với cường độ mạnh mẽ hơn bao giờ hết khiến nhiều nhà đầu tư lẫn người mua nhà rơi vào cảnh "chết đứng". 

18 tháng chống chịu với đại dịch COVID, thị trường bất động sản bắt đầu bộc lộ những sự ảnh hưởng vốn đã được nhiều chuyên gia dự báo từ sớm.

Chia sẻ với Tạp chí điện Tài chính, chị Hoàng Minh Hải (Hà Nội) cho biết mình đầu tư đất tại Tp.Thủ Đức (Tp.Hồ Chí Minh). Do thị trường đất nền ở đây luôn tăng cao, chị kỳ vọng kể cả dùng đòn bẩy tài chính cũng có lãi. Hồi tháng 3 năm nay, khi đất đang ở đỉnh cơn sốt, chị Hải vay hơn 7 tỷ đồng, thế chấp lô đất nằm tại quận 9 để đầu tư. Tuy nhiên, gần cuối tháng 5 đại dịch COVID-19 bùng phát, số tiền chênh không đủ trả cả lãi và gốc lên đến hơn 70 triệu đồng/tháng, buộc chị phải bán lô đất. Hiện chị đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan” vì bán không ai mua, vì đại dịch vẫn đang hoành hành, mọi giao dịch BĐS gần như đứng im.

Với những người mua nhà, hay đang đợi bàn giao bất động sản trong giai đoạn này cũng rơi vào trạng thái "bi đát" không kém, hay nói thẳng ra là mua nhà mất khả năng thanh toán.

VnExpress đã đăng bài phản ánh tình trạng nộp chậm tiền nhà và có nguy cơ hợp đồng bị hủy. Một nhà đầu tư đặt mua căn hộ cao cấp 2 phòng ngủ tại quận Thủ Đức từ năm 2020 vì chung cư đang xây có vị trí gần đường lớn, sát cụm trường, chợ, bệnh viện, thuận tiện cho cuộc sống của gia đình vốn quen với phía Đông thành phố. Đến cuối tháng 4 năm nay, người này đã đóng tiền đợt một và đợt hai, tổng cộng hơn một tỷ đồng theo tiến độ dự án.

Đợt thanh toán thứ ba, chủ đầu tư yêu cầu đóng hơn 400 triệu đồng, đã 3 lần nhà đầu tư này nhận được thư thông báo và đòi nợ nhưng đại dịch bùng phát ở Tp.HCM khiến anh vẫn chưa gom đủ tiền vì mùa dịch đòi nợ đối tác hay vay mượn đều về tay không.

Đợt dịch bùng phát lần thứ tư để lại hậu quả nặng nề ngoài dự liệu khiến dòng vốn từ đối tác làm ăn của anh bị tắc nghẽn. Phong tỏa kết hợp với giãn cách kéo dài khiến việc làm ăn bị trì trệ, dòng tiền lưu động từ việc kinh doanh sụt giảm trầm trọng. Nhà đầu tư phải cay đắng thừa nhận mất khả năng thanh toán theo kế hoạch. Hợp đồng quy định rõ nếu chậm nộp tiền sẽ mất hàng trăm triệu đồng tiền phạt vi phạm và thanh lý hợp đồng. Hiện anh đã viết thư xin giãn tiến độ đóng tiền, hy vọng chủ đầu tư cho khoanh nợ. 

Nhiều trường hợp tương tự phải chấp nhận chịu phạt từ 2-3% theo quy định của chủ đầu tư. Một số người đã vay thêm tiền của ngân hàng để đóng tiền cho chủ đầu tư, nay mắc kẹt trong cảnh lãi chồng lãi.

Cầu cứu ngân hàng

Đại dịch khiến nhiều người mua nhà hay vay vốn để sở hữu những tài sản giá trị dường như lâm vào "thế kẹt", chấp nhận đến các tổ chức tín dụng để vay thêm tiền nhằm xoay nợ. Tuy nhiên, việc không có khả năng trả dường như chỉ khiến nhiều người chịu cảnh "vòng xoáy nợ nần", chấp nhận mất hết tài sản thế chấp nếu không sự vào cuộc giải cứu của ngành ngân hàng. 

Nhiều người đã phải "kêu cứu" vì các tổ chức tín dụng nếu tiếp tục mạnh tay siết nợ thì coi như đẩy họ tới bước đường cùng.

Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh. 

Theo đó, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện bao gồm không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19; có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021…) thì được tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.

Tất nhiên, quyền "sinh sát" vẫn nằm trong thẩm quyền của tổ chức tín dụng, nên NHNN đề nghị các công dân cần làm việc với các tổ chức tín dụng để được xem xét, xử lý theo đúng quy định.

Ngân hàng trung ương đang tổng hợp các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để tiếp tục xây dựng các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Hai đợt dịch bùng phát liên tiếp kể từ đầu năm 2021 ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nhà đầu tư bất động sản, nhất là những ai thuộc nhóm nhỏ lẻ, ít vốn nên Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ người vay, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Các ngân hàng thương mại được đề nghị xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm BĐS được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.


H.S

Xem thêm: Đại gia bất động sản Quảng Ninh bị rao bán khoản nợ tại Agribank là ai?