Người dân sẽ dễ thuê, mua nhà ở xã hội hơn?

Đông Bắc 07:00 | 26/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 25/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố bảy luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó có Luật Nhà ở (sửa đổi).

  

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành 1/1/2025; so với luật hiện hành, luật mới giảm 4 chương, tăng 15 điều.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết Luật quy định chính sách về  nhà ở xã hội có nhiều điểm mới. Cụ thể, Luật xác định rõ trách nhiệm dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

“Việc trao quyền gắn với trách nhiệm để tạo cơ chế linh hoạt cho địa phương triển khai thực hiện”- ông Sinh nói.

Về hình thức phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin Luật bổ sung hai hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 Bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội. Ảnh BXD.

Theo đó, bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, công nhân, người lao động tại khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Lực lượng vũ trang nhân dân được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Luật vừa được Quốc hội thông qua cũng bổ sung quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định cụ thể về điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng cải cách thủ tục hành chính nhiều hơn, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp thuận lợi hơn khi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

“Luật đã bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú, khi mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập. Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng”- theo ông Sinh.

Chính sách ưu đãi với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng được sửa đổi, bổ sung nhiều theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư. Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất ở (hoặc 20% tổng diện tích sàn xây dựng của dự án) để xây dựng công trình, kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại theo chủ trương đầu tư dự án đã được chấp thuận.

Gần 20.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được xây dựng trong năm 2023

Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2023, các địa phương đã khởi công xây dựng 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng số khoảng 19.853 căn.

Trong số đó, 7 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị với quy mô 8.815 căn. Đáng chú ý, TP Hải Phòng là địa phương có 4  dự án nhà ở xã hội được khởi công với tổng số 6.707 căn. TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng mỗi địa phương có 1 dự án nhà ở xã hội được khởi công.

Bên cạnh đó, 3 dự án nhà ở công nhân được xây dựng tại các địa phương trọng điểm về công nghiệp, gồm: Hải Phòng 1 dự án quy mô 2.538 căn, Bình Định 1 dự án quy mô 1.500 căn, Bắc Giang 1 dự án quy mô 7.000 căn.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, dư nợ cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 9.800 tỷ đồng với 25.581 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

  Gần 20.000 căn nhà ở xã hội được xây dựng trong năm 2023. Ảnh BXD.

Cùng với đó, thực hiện giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022, Bộ Xây dựng cho biết đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án trên địa bàn đủ điều kiện theo quy định để tổng hợp và công bố trong các đợt tiếp theo.

Theo Bộ Xây dựng, để triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021- 2030)", Bộ đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo số liệu đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn; chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, đến nay, giai đoạn 2021- 2025 cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.

Theo thống kê từ các địa phương, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Hiện đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương đã được giải ngân số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng.