Nguyên nhân nào khiến tốc độ đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội bị chậm?

Đông Bắc 11:24 | 09/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện nay có khá nhiều nghịch lý, rào cản mới phát sinh khi triển khai các dự án nhà ở xã hội nên khiến cho tốc độ đầu tư phân khúc này đang bị chậm lại.

 

Đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội đang thực hiện ra sao?

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ cho biết ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án.

Theo báo cáo, đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4,8 triệu m2. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000 m2.

Theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2030 cả nước sẽ xây dựng khoảng 1.062.200 nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 428.000 căn hộ, và trong giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 634.200 căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp.

 Các dự án nhà ở xã hội được triển khai khá chậm. Ảnh VNM.

Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã có hướng dẫn đối tượng, điều kiện khách hàng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Qua 3 tháng rà soát phê duyệt, đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 108 dự án nhà ở xã hội đã được cấp phép và đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong hơn 100 dự án đó, mới chỉ có 24 dự án đủ điều kiện vay với tổng nhu cầu nguồn vốn là gần 12.500 tỷ đồng. Dù nhiều địa phương đã coi việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung dài hạn. Tuy nhiên có khá nhiều nghịch lý, rào cản mới phát sinh khi triển khai các dự án nên tốc độ đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030 đang bị chậm lại.

Để xuất giải pháp gỡ khó cho nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội ngay sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành năm sau, bao gồm nhóm chính sách về: đối tượng, điều kiện thụ hưởng; vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước; đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng đã đưa ra những nhận định cho việc phá các rào cản, các nghịch lý xung quanh việc thực hiện chính sách này.

"Vẫn có sự chồng chéo trong chính sách áp dụng về ưu đãi cấp đất rồi quy hoạch, bố trí đất của chính quyền, của địa phương. Tỷ lệ đất bố trí cho nhà ở xã hội hay thực hiện nhà ở xã hội trên toàn quốc chiếm rất ít, tỷ lệ 12 - 13%, so với dự án nhà ở nói chung, trong đó vẫn ưu tiên cho các dự án nhà ở thương mại, tôi thấy cũng phải tính toán thêm để bố trí đất phù hợp với nhu cầu và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương", bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, nêu quan điểm tại buổi dự thảo Luật nhà ở sửa đổi của Quốc hội mới đây.

Ông Nguyễn Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định: "Chúng ta cần phải đơn giản hóa các thủ tục. Để làm được việc đó, chúng ta phải đưa vào các quy định của luật hiện nay. Những thủ tục gì cần thiết phải triển khai? Cách thức triển khai ra sao? Những thủ tục về mặt hỗ trợ như thế nào? Để thấy rằng, mặc dù chúng ta vẫn tuân thủ các quy định của luật, nhưng thời gian về mặt hành chính chúng ta sẽ đơn giản hóa đi và đó chính là một trong những yếu tố thu hút các nhà đầu tư để người ta mạnh dạn, hăng hái tham gia đầu tư trong lĩnh vực này".

  Đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội đang đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh BĐS.

Các chính sách phát triển  nhà ở xã hội được triển khai suốt thời gian qua chỉ thu về được kết quả "khiêm tốn" cho thấy mô hình này đang vận hành chưa thực sự hiệu quả và có những hạn chế nhất định. Điều này đặt ra yêu cầu các nhà quản lý cấp thiết phải nghiên cứu, nhận diện rõ nguyên nhân, bất cập thế nào, những "nút thắt" phải sớm gỡ để xây dựng chính sách phát triển nhà ở xã hội thực sự hiệu quả và cho ra kết quả tối ưu.

Đề nghị thu hồi 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương cần đôn đốc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của những dự án này, theo tiến độ phê duyệt. Nếu trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% và lựa chọn, giao cho chủ đầu tư khác.

Đồng thời, để tập trung triển khai đề án theo đúng tiến độ, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành tập trung triển khai một số nhiệm vụ, trong đó có phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, pháp luật về thuế; trong đó tập trung sửa đổi cơ chế chính sách về nhà ở xã hội, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…; đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản hồi tháng 8 vừa qua, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đa số các dự án nhà ở xã hội tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện. Khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án nhà ở xã hội rất ít. Điều kiện, thủ tục phức tạp trong khi nguồn cung nhà ở xã hội còn ít.

Vị chuyên gia cho rằng không nên áp dụng theo các gói, chương trình một vài năm như hiện nay. Đặc biệt, có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội gồm: Nguồn tiền thu từ quỹ đất cho nhà ở xã hội; Vốn góp từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; Phát hành trái phiếu chính phủ/chính quyền địa phương; Vốn đối ứng, bổ sung từ các tổ chức tín dụng trong nước; Nguồn vốn ODA, các tổ chức tài chính quốc tế.

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải kiến nghị: Nhà ở xã hội là mô hình cần phương án phát triển, chưa kể phương án phát triển 1 triệu căn. Tuy nhiên, quy trình, quy định đối với nhà ở xã hội không khác gì nhiều đối với quy trình, quy định nhà ở thương mại khi chúng ta đang nghiên cứu xây dựng nghị định để thiết lập quy trình phát triển nhà ở thương mại.

"Chúng tôi kiến nghị, riêng nhà ở xã hội cần phải có quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Bởi riêng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất. Chúng ta phải linh hoạt thiết lập quy trình ngắn gọn. Hiện nay, quy trình đấu thầu rất tốn thời gian", ông Hà Minh Hải kiến nghị.