Nhân dân tệ, ruble và hàng loạt tiền tệ giảm giá khi USD lên gần mức mạnh nhất trong 2 năm

Nguyễn Thị Thùy Dung 08:14 | 12/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đồng bạc xanh tiếp tục duy trì sức mạnh trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vọt lên mức cao nhất trong 3 năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) báo hiệu lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn.

Chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh đồng USD với rổ tiền tệ các đối tác quan trọng của Mỹ đã ở mức 99,94 tại thời điểm chốt phiên 11/4. Ở phiên Thứ Sáu 8/4, chỉ số này thậm chí vọt lên 100,19 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.

Trong khi đồng USD tăng giá, đồng Euro cũng bất ngờ kết thúc chuỗi giảm 7 ngày liên tiếp để tăng giá lên 1,0878 USD đổi 1 Euro tại thời điểm 8 giờ sáng ngày 12/4 (giờ Việt Nam).

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng đà tăng giá của đồng Euro có thể không bền vững cho đến chừng nào những rủi ro liên quan đến môi trường địa chính trị thế giới và tác động của nó đến châu Âu qua đi. Chẳng hạn, ông Erik Nelson, chiến lược gia vĩ mô của ngân hàng Wells Fargo (New York) nhận định: "Đồng Euro có thể phục hồi đôi chút, nhưng rất khó để nó thực sự lấy lại được đà tăng giá chừng nào những yếu tố rủi ro chưa qua đi hoàn toàn”.

Đồng bảng Anh (GBP) trong khi đó chứng kiến đợt giảm giá trước đồng USD sau khi Anh công bố một số dữ liệu kinh tế cho thấy đà tăng trưởng trong tháng 2 không đạt kỳ vọng. 

Tăng trưởng GDP tháng 2 tại Anh chỉ đạt 0,1% so với tháng 1, thấp hơn nhiều mức tăng 0,8% của tháng 1 so với tháng 12/2021, theo kết quả cuộc thăm dò của Reuters. Đáng chú ý, các nhà phân tích tin rằng ngân hàng trung ương Anh (BOE) có thể tiếp tục nâng lãi suất lên mức tổng cộng 1,4% từ nay đến cuối năm.

Vào 8 giờ sáng 12/4 (giờ Việt Nam), tỷ giá bảng Anh so với USD giao dịch ở 1 bảng Anh đổi 1,3021 USD, phục hồi nhẹ từ mức dưới 1 bảng đổi 1,3 USD tại thời điểm chốt phiên 11/4 nhưng vẫn nằm gần mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Đồng Yen Nhật (JPY) tiếp tục giảm giá xuống mức thấp nhất trong gần 7 năm sau khi ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, chẳng hạn FED, chuyển sang thắt chặt. Đến 8 giờ sáng ngày 12/4 (giờ Việt Nam), tỷ giá đồng Yen so với USD giao dịch ở mức 1 USD đổi 125,503 Yen.

Ông Erik Nelson cho biết: “Những tín hiệu mà chúng tôi nhận thấy từ BOJ đến nay là rất nhất quán, rằng họ thoải mái với việc đồng Yen Nhật yếu đi”. 

Đồng Nhân dân tệ (CNY) tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu trước USD khi ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng khiến nhà đầu tư quan ngại dòng vốn có thể rút chạy khỏi Trung Quốc trước áp lực giảm giá tiền tệ. 

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên trong 12 năm giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Mức chênh lệch kích thích dòng đầu tư rút khỏi Trung Quốc để trở về Mỹ trong bối cảnh PBOC dự kiến sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn vì đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến chủng Omicron. 

Tại thời điểm 8 giờ sáng ngày 12/4 (giờ Việt Nam), tỷ giá CNY so với USD giao dịch ở mức 1 USD đổi 6,37 CNY. 

Đồng ruble (RUB) của Nga cũng giảm so với đồng USD, trái ngược so với xu hướng tăng của tuần trước trong bối cảnh ngân hàng trung ương Nga nới lỏng các biện pháp kiểm soát dòng vốn. 

Tại thời điểm 8 giờ sáng ngày 12/4 (giờ Việt Nam), tỷ giá RUB so với USD giao dịch ở mức 82,75 RUB đổi 1 USD. Cuối tuần trước, tỷ giá RUB đã phục hồi mạnh về mức gần 75 RUB đổi 1 USD.