Nhiều địa phương tăng tốc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Đông Bắc 08:02 | 03/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Xây dựng, trong 7 tháng năm nay đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công xây dựng, quy mô gần 20.000 căn.

 

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, trong 7 tháng năm nay đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công xây dựng, quy mô gần 20.000 căn. 

Cụ thể, có 7 dự án nhà ở xã hội đã được khởi công xây dựng tại các địa phương, gồm: Hải Phòng 4 dự án quy mô 6.707 căn, Hà Nội 1 dự án quy mô 720 căn, Thừa Thiên Huế 1 dự án quy mô 1.085 căn nhà, Lâm Đồng 1 dự án quy mô 303 căn. 

Bên cạnh đó, có 3 dự án nhà ở công nhân được xây dựng tại các địa phương trọng điểm về công nghiệp, gồm: Hải Phòng 1 dự án quy mô 2.538 căn, Bình Định 1 dự án quy mô 1.500 căn, Bắc Giang 1 dự án quy mô 7.000 căn.

 

 Hơn 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được khởi công từ đầu năm đến nay. Ảnh VNM.

Về tình hình giải ngân vốn cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, theo Bộ Xây dựng, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 4.381 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng cho 12.200 khách hàng.

Đây là nhóm đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Ngoài ra, còn có 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 31 (năm 2022) của Chính phủ, số vốn ưu đãi cho 24 dự án vay khoảng 7.516 tỷ đồng.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ đôn đốc các tỉnh, thành phố đẩy nhanh việc triển khai đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội

Kết luận tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, ngày 31/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quyền có nhà ở của người dân, Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở đã được quy định trong Hiến pháp.

Vì vậy, Luật Nhà ở cần tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình sẽ có nhà ở tuỳ theo mức độ thu nhập, khả năng chi trả khác nhau, nhất là làm rõ thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên…, xây dựng tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các ý kiến về việc tiếp tục huy động sự tham gia của các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại trong phát triển quỹ đất nhà ở xã hội, xây dựng nhà cho các đối tượng chính sách xã hội…

"Chúng ta nên mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…", Phó Thủ tướng gợi mở.

Về quy định cải tạo, xây mới chung cư cũ, Phó Thủ tướng cho rằng, Dự thảo luật cần thiết kế theo hướng, Nhà nước di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ để bảo đảm an toàn tính mạng, còn hoạt động cải tạo, xây mới chung cư thì thực hiện theo thoả thuận dân sự giữa chủ đầu tư và các hộ dân.

Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, công khai tiêu chí những chung cư cũ buộc phải di dời, thực hiện cải tạo, xây mới.