Nhiều dự án bất động sản ở Đồng Nai còn vướng mắc, doanh nghiệp kiến nghị gì?

(Ảnh minh họa: Hải Quân).
Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội do ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Tổ trưởng vừa giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Đồng Nai, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư tổng cộng 121 dự án bất động sản nhà ở thương mại, khu đô thị. Nhìn chung, việc triển khai các dự án tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, đất đai. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các thời kỳ được thực hiện kịp thời.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, đất đai trong quá trình triển khai thực hiện dẫn đến các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, dự án tạm dừng triển khai. Hiện các sở, ngành đang phân loại dự án trên cơ sở đó đề xuất tháo gỡ.
Tổ Công tác đã đi giám sát hai dự án là Khu dân cư dịch vụ và du lịch cù lao Tân Vạn tại phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa do CTCP Đầu tư Tín Nghĩa - Á Châu làm chủ đầu tư và Dự án Nhà ở xã hội A6-A7 tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa do CTCP Kinh doanh nhà Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Tại các điểm đến, đoàn đã nghe chủ đầu tư báo cáo tình hình triển khai dự án; những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư, pháp lý đất đai, xây dựng.
Bên cạnh đó, Tổ công tác làm việc với Sở Xây dựng, Hiệp Hội bất động sản Đồng Nai và 13 chủ đầu tư có dự án bất động sản, nhà ở xã hội đang triển khai trên địa bàn tỉnh như Novaland, Nam Long, Kim Oanh, DIC Corp, D2D, IDICO...
Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai đã báo cáo tình hình chung của thị trường tại Đồng Nai, theo đó thị trường hiện nay trầm lắng, các dự án triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, pháp lý, quy hoạch, vốn.
Hiệp hội cũng kiến nghị với Tổ công tác có kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc liên quan lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đối với quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại; hướng dẫn ưu đãi dành 20% quỹ đất hoặc nhà trong dự án nhà ở xã hội kinh doanh thương mại; sửa đổi điều kiện thu nhập cho người mua nhà ở xã hội.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng kiến nghị gỡ vướng dự án giao đất, bị lệch giữa quy hoạch chi tiết với quy hoạch phân khu và quy hoạch chung. Ngoài ra thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội còn nhiều và phức tạp. Việc đồng bộ các hạ tầng xã hội trong dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn trước khi được chuyển nhượng là khó và lãng phí vì nhu cầu thực chưa có.
Về các vấn đề trên, Tổ công tác cho biết sẽ tổng hợp, có báo cáo, kiến nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả hơn chủ trương phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và nhà ở xã hội.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.