Nhiều nguyên nhân khiến tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch chậm so với yêu cầu
Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch đang chậm so với yêu cầu
Chất vấn trưởng ngành xây dựng chiều 3/11, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt vấn đề, đâu là nguyên nhân gốc rễ trong chậm trễ phê duyệt chậm quy hoạch cấp tỉnh và việc này tác động thế nào tới quy hoạch vùng và tổng thể quốc gia.
Cùng với Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra rằng, đây là lần đầu tiên thực hiện Luật Quy hoạch, phải lập đồng thời cùng lúc 110 quy hoạch, gồm 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch của 6 vùng kinh tế, 39 quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch cấp tỉnh, như vậy, khối lượng công việc cần phải tiến rất lớn.
Bộ trưởng Dũng cho biết, Hội đồng thẩm định đã thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia, đang báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Với 6 quy hoạch vùng, Chính phủ đã thông qua quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long; còn 5 quy hoạch lại đã xong nhiệm vụ và đang tổ chức lập.
Với 39 quy hoạch ngành quốc gia, đã xong 5 quy hoạch ngành giao thông. Trong số 63 quy hoạch địa phương, đã thẩm định được 9 quy hoạch. Hiện còn gần 50 tỉnh đã xong quy hoạch, đang thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Quốc hội.
Về tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đang chậm so với yêu cầu. "Lần đầu lập quy hoạch, còn nhiều cách hiểu khác nhau về tích hợp lập quy hoạch, lực lượng tư vấn quy hoạch còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch tích hợp", Bộ trưởng giải trình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, việc lập, phê duyệt quy hoạch đang được đẩy nhanh tiến độ. Bộ đang nỗ lực và tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để đồng thời đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng đồng bộ, tầm nhìn chiến lược cho các quy hoạch trong giai đoạn tới.nhưng quan tâm lớn nhất của Chính phủ là chất lượng quy hoạch. "Không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng các quy hoạch".
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ tham gia cùng địa phương, ngành có phương pháp lập tốt nhất, đảm bảo tiến độ, chất lượng như Nghị quyết 61/2022/QH15 Quốc hội yêu cầu.
Di dời trụ sở Bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội còn chậm
Cũng liên quan đến vấn đề quy hoạch, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn đại biểu việc di dời trụ sở Bộ ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Lý giải nguyên nhân công tác di dời còn triển khai chậm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan). Các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).
Đề cập đến giải pháp cho vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tại Văn bản số 1445/BXD-QHKT ngày 26/4/2022, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung.
Thứ nhất, các Bộ ngành Trung ương và thành phố Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015.
Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các Bộ ngành, UBND thành phố Hà Nội, UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, đảm bảo phù hợp với mục tiêu của Quyết định số 130/QĐ-TTg, quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
UBND thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện công tác rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021; lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định việc sử dụng quỹ đất phù hợp, hiệu quả, tuân thủ định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch vùng có liên quan; đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo các yêu cầu về không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ và phát huy công trình kiến trúc có giá trị.