Nhiều nút thắt được tháo gỡ, nhà ở xã hội sẽ là phân khúc bùng nổ trong năm 2024?
Theo Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội. Như vậy, so với số liệu báo cáo năm của 2020 là 3.359 ha thì đến nay, diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đã tăng thêm 5.031 ha.
Bộ Xây dựng đánh giá, nhiều địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai dành 1.063 ha, TP HCM 608 ha, Long An 577 ha, Hải Phòng 471 ha, Hà Nội 412 ha. Tuy nhiên, cũng còn một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội như: Ninh Bình, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đồng Tháp.
Kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 ghi nhận, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó có 71 dự án với quy mô 37.868 căn đã hoàn thành; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 107.896 căn. Cùng đó, có 301 dự án với quy mô 265.486 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xà hội trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như: tỉnh Bắc Ninh 15 dự án với 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, quy mô 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án với 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án với 6.557 căn; Đồng Nai có 8 dự án, tương ứng 9.074 căn; Bình dương 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án, khoảng 4.948 căn...
Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Như Hà Nội chỉ có 3 dự án, khoảng 1.700 căn, đáp ứng 9%; TPHCM 7 dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, tương ứng 2.750 căn, đáp ứng khoảng 43%... Đáng chú ý, một số địa phương không có dự án nhà ớ xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/2/2023 của Chính phủ, theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng.
Tính đến ngày 5/2/2024, trên cả nước đã có 5 dự án nhà ở xã hội (tại các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, An Giang) được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng. Như vậy với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, bước đầu đã có kết quả, song giải ngân còn chậm.
“Thời gian tới, với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng sẽ đạt kết quả tốt hơn,” đại diện Bộ Xây dựng tin tưởng.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng thường xuyên có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tập trung phát triển nhà ở xã hội và công bố danh mục các dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi nhằm đạt mục tiêu của Đề án.
Nhiều doanh nghiệp chung tay làm nhà ở xã hội
Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho biết các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô 47.532 căn hộ trong năm 2024. Các doanh nghiệp cũng đã bắt tay vào xây dựng nhà ở xã hội.
Mới nhất, Vinhomes chỉ trong 1 tuần liên tiếp khởi công 2 dự án lớn quy mô hơn 100 ha tại Hải Phòng và Nha Trang. Đó là dự án NOXH Happy Home có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 3.800 tỷ đồng trong phân khu 3 của Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, dự kiến hoàn thành cuối năm 2026 và là dự án NOXH có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Quy mô dự án gần 88 ha, gồm gần 3.600 căn NOXH dạng thấp tầng và khu vực nhà ở thương mại với gần 540 căn liền kề và liền kề có sân vườn. Ngoài ra, còn có nhiều công trình thương mại - dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, dịch vụ, văn phòng… cùng một số hạng mục hạ tầng xã hội khác.
Trước đó, Vinhomes cũng đã khởi công dự án NOXH đầu tiên mang thương hiệu Happy Home tại Hải Phòng với quy mô hơn 28 ha với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp 27 block nhà chung cư với khoảng 4.004 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng gần 10.000 người. Trước đó, tháng 7/2022, Vinhomes cũng động thổ 2 dự án NOXH với số lượng 3.500 căn tại Quảng Trị và Thanh Hóa.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup tiết lộ, dự án NOXH Happy Home là dự án NOXH thứ 4 được Vinhomes triển khai trên toàn quốc và là dự án thứ 2 được khởi công tính từ đầu năm 2024 đến nay.
Không chỉ Vingroup, tại TP HCM, trong 6 dự án NOXH mà thành phố đăng ký hoàn thành trong năm 2024, tất cả đều do doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tư. Như Tập đoàn Hưng Thịnh công bố xây 150.000 NOXH, góp phần giải "cơn khát" nhà ở dành cho người lao động, người có thu nhập thấp.
Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong trong việc xây dựng và đưa vào sử dụng mô hình NOXH, nhà ở công nhân mang lại nhiều hiệu quả nhất. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển NOXH, với tổng diện tích sàn nhà ở là 3,8 triệu m2, đáp ứng cho 238.325 người, với tổng mức đầu tư là 19.034 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã đầu tư được 1,33 triệu m2 sàn/2 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch.
Để làm được điều này, Bình Dương đã huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NOXH, nhà ở công nhân. Điển hình là Becamex IDC, một doanh nghiệp nhà nước, đã được tỉnh giao trọng trách xây dựng NOXH. Qua đó, với những lợi thế sẵn có về nguồn vốn, quỹ đất và hạ tầng, đã góp phần mang đến những dự án NOXH đồng bộ, phù hợp và giá thành thấp cho người lao động.
Đặc biệt, Đồng Nai đang có kế hoạch mở bán hơn 400 căn nhà ở xã hội. Theo đó, hơn 180 người đã ký hợp đồng mua nhà, hơn 400 căn nhà khác đang hoàn thiện để “ra lò” tại dự án Nhà ở xã hội (NOXH) P Bảo Vinh, TP.Long Khánh. Số lượng căn hộ này có thể bố trí chỗ ở cho khoảng 2-2.500 công nhân, công chức, viên chức và người dân.
Kỳ vọng từ “trợ lực" chính sách
Nhận định về phân khúc nhà ở xã hội, các chuyên gia bất động sản cho rằng, nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi những hỗ trợ về chính sách của Chính phủ đối với loại hình này. Chia sẻ từ dữ liệu khảo sát, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn thông tin, từ khóa “nhà ở xã hội” trong hành vi tìm kiếm bất động sản của người dùng tăng mạnh đã phản ánh mối quan tâm và nhu cầu thực sự của người dân với loại hình này.
Ông Nguyễn Quốc Anh phân tích, bất động sản nhu cầu thực sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian tới các động lực thúc đẩy và những ưu tiên của Chính phủ về phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thì các doanh nghiệp tham gia phát triển sẽ tốt hơn, đưa nguồn cung nhà ở xã hội có những thay đổi theo hướng tích cực.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ có sự tăng trưởng do những ưu ái từ phía các chính sách điều hành vĩ mô nhưng không phải trong năm nay. Do các chính sách vẫn cần thời gian và chờ đợi độ “ngấm” để tác động dần dần vào thị trường. Khi đó thanh khoản của loại hình này sẽ tăng mạnh do lực cầu hiện đang rất lớn.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, thời gian tới, quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội sẽ đầy đủ hơn và theo hướng dễ tiếp cận hơn. Để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, Thứ trưởng Sinh cho rằng, tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Nhà ở (sửa đổi), có hỗ trợ tích cực hơn như miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư đầu tư các khu thương mại, dịch vụ,…Với những điều kiện như vậy, vị Thứ trưởng cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu.
Tại tọa đàm “Nhận diện dòng chảy tài chính trên thị trường bất động sản” cuối năm 2023, TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần phải giải phóng doanh nghiệp bất động sản để thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội. Cụ thể giảm khỏi các ràng buộc của các chính sách khuyến khích, miễn thuế quyền sử dụng đất hay như hạn mức tín dụng đầy đủ với lãi suất hợp lý. Về các chính sách hỗ trợ phải hướng trực tiếp đến người mua nhà. Có như vậy, phân khúc nhà ở xã hội mới tăng nhanh và khủng hoảng cơ cấu phân khúc sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới.