Những doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận đi lùi trong quý I

Đông Bắc 14:04 | 06/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, qua quý I, nhiều công ty ngành địa ốc vẫn chưa có sự khởi sắc, thậm chí lợi nhuận còn đi lùi.

Nhóm doanh nghiệp lợi nhuận tăng

Dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm bất động sản là CTCP Vinhomes (mã: VHM) với doanh thu quý I/2025 đạt 15.698 tỷ đồng (tăng 91%) và lãi ròng lên tới 2.652 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với quý I/2024.

Theo lý giải của công ty, hoạt động bàn giao nhà tại các dự án Vinhomes Royal Island (Hải Phòng) và Vinhomes Ocean Park 2-3 (Hưng Yên) tiếp tục là động lực chính đóng góp vào kết quả kinh doanh trong kỳ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, cổ đông Vinhomes đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42.000 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, kết thúc quý I/2025, công ty mới hoàn thành 8% mục tiêu doanh thu và 6% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, ghi nhận doanh thu thuần đạt 710 tỷ đồng, tăng trưởng 113% so với cùng kỳ năm 2024, lợi nhuận gộp từ đó được cải thiện từ 174 tỷ đồng của quý I/2024 lên 307 tỷ đồng.

Trong bối cảnh doanh thu tăng trưởng tốt, các chi phí trong kỳ của Khang Điền cũng tăng theo. Trong đó, chi phí tài chính tăng 116% lên 48 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng gần 6 lần lên 62,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19,8% lên 54,4 tỷ đồng.

Trừ đi thuế phí, Khang Điền lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 86% so với quý I/2024; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng hơn 92% lên 122 tỷ đồng.

Trong năm 2025, Khang Điền lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 24,4% so với năm 2024. Như vậy, dù kết quả quý I tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, Khang Điền mới chỉ hoàn thành 18,68% kế hoạch doanh thu và 11,9% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2025.

Với CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG), kết thúc quý I mang về doanh thu thuần 1.291 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự tăng trưởng của các mảng kinh doanh, trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản chiếm hơn 1.200 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 87%, với hơn 48 tỷ đồng, phần lớn là lãi tiền gửi ngân hàng và cho vay. Chi phí tài chính tăng 96% lên 99 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay.

Tương tự, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng. Kết quả, Nam Long ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 110 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với khoản lỗ 65 tỷ đồng của quý I/2024.

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng đã công bố báo cáo Tài chính Hợp nhất Quý I/2025, ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực. Trong quý I/2025, Phát Đạt đạt doanh thu thuần gần 438 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ so với mức 162 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Kết quả này phản ánh sự phục hồi rõ nét của thị trường bất động sản cũng như năng lực triển khai và bàn giao dự án hiệu quả của Công ty.

Lợi nhuận gộp đạt 175 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung, trong khi đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 50,6 tỷ đồng, tiếp tục ở mức ổn định, là nền tảng vững chắc trong hoạt động cốt lõi của Công ty.

Ở phân khúc bất động sản công nghiệp, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) cũng cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận sau thuế tăng 56%, đạt 402 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ quý I/2021, giúp công ty thực hiện gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị IDICO (UIC) cũng báo lãi sau thuế tăng mạnh 78%, đạt 18,7 tỷ đồng trên doanh thu thuần tăng 17%.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy lãi ròng quý I/2025 đạt gần 783 tỷ đồng, một cú lội ngược dòng ngoạn mục so với khoản lỗ gần 86 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần của KBC cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt gần 3.117 tỷ đồng, so với hơn 152 tỷ đồng trong quý đầu năm 2024.

Sự bứt phá về lợi nhuận chủ yếu đến từ việc Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đột biến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là cho thuê đất và cơ sở hạ tầng, đạt gần 2.484 tỷ đồng (cùng kỳ không phát sinh). Bên cạnh đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản cũng tăng đáng kể từ gần 15 tỷ lên gần 412 tỷ đồng, cùng với đó là gần 68 tỷ đồng doanh thu từ bán nhà xưởng.

Với kết quả quý đầu năm đầy khả quan, Kinh Bắc đã thực hiện được gần 27% mục tiêu lợi nhuận sau thuế đầy tham vọng cho năm 2025 là 3.200 tỷ đồng (gấp 7 lần so với năm 2024), trên kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng (gấp 3,6 lần năm 2024).

Nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận đi lùi

Trái ngược với bức tranh tươi sáng của nhiều doanh nghiệp, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Kết thúc quý I, nhóm doanh nghiệp địa ốc này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đi lùi.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã: NVL) báo lỗ trở lại với khoản lỗ ròng 476 tỷ đồng trong quý đầu năm. Dù doanh thu tăng trưởng mạnh, từ mức 697 tỷ đồng của quý I/2024 lên 1.778 tỷ đồng của quý I/2025, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp là gánh nặng lớn, ảnh hưởng phần lớn lợi nhuận của chủ đầu tư này.

Năm 2025, Novaland đưa ra 2 kịch bản kinh doanh dựa trên tiến độ tháo gỡ pháp lý dự án. Phương án 1 kỳ vọng doanh thu thuần đạt 13.411 tỷ đồng và lỗ sau thuế 12 tỷ đồng. Phương án 2 thận trọng hơn với mục tiêu doanh thu 10.453 tỷ đồng và lỗ 688 tỷ đồng.

Như vậy, với kết quả quý I/2025, Novaland đã hoàn thành 13-17% chỉ tiêu doanh thu và còn cách khoảng 30% so với mức lỗ cao nhất trong phương án dự phòng.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2025 xấp xỉ 925 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động kinh doanh cốt lõi là chuyển nhượng bất động sản, giảm gần 19% xuống còn hơn 666 tỷ đồng.

Nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh tới 30%, lợi nhuận gộp của Đất Xanh vẫn tăng 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 510 tỷ đồng. Mặc dù chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng trong kỳ, Đất Xanh vẫn báo lãi sau thuế hơn 48 tỷ đồng, tăng 55% so với quý I/2024.

So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 368 tỷ đồng cho cả năm 2025 dự kiến sẽ được trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 9/5 tới, kết quả đạt được trong quý đầu năm của Đất Xanh chỉ tương đương mức thực hiện hơn 13% mục tiêu.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) có doanh thu thuần đạt hơn 623 tỷ đồng và lãi ròng 155 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý I/2025, Hà Đô không phát sinh bất kỳ khoản thu nào từ hoạt động kinh doanh bất động sản, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 315 tỷ, do doanh nghiệp chưa mở bán các sản phẩm còn lại của dự án Hado Charm Villas. Thay vào đó, doanh thu chủ yếu đến từ mảng năng lượng là thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió.

Hà Đô cho biết lợi nhuận giảm là do không ghi nhận doanh thu bất động sản và trích lập chênh lệch giá bán điện dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4.

Năm 2025, tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.936 tỷ đồng, tăng 8% và lãi sau thuế 1.057 tỷ đồng tăng hơn 136% so với kết quả thực hiện được trong năm 2024.

Trong khi đó, Tổng Công ty IDICO - CTCP (mã: IDC) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu thuần đạt hơn 1.793 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 343 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 51% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải từ doanh nghiệp, mức sụt giảm này chủ yếu đến từ biến động doanh thu các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, khi chỉ có một số hợp đồng đáp ứng đủ điều kiện để được ghi nhận doanh thu một lần theo quy định kế toán hiện hành.

Năm 2025, IDICO đặt mục tiêu cho thuê 123,5 ha đất khu công nghiệp và 33.291 m2 nhà xưởng. Con số này cao hơn so với kết quả năm 2024 khi doanh nghiệp đã ghi nhận cho thuê 100,6 ha đất công nghiệp và gần 38.700 m2 nhà xưởng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo IDICO cũng nhấn mạnh chiến lược mở rộng hệ thống khu công nghiệp với 4 dự án mới, tổng quy mô khoảng 1.350ha, mở ra dư địa lớn để doanh nghiệp đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI và nhu cầu thuê đất công nghiệp đang gia tăng tại Việt Nam.