Nở rộ mô hình sống chung co-living trước tình trạng `đất chật người đông`
Sự bùng nổ dân số tại đô thị đang khiến thị trường bất động sản nhà ở đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến việc xuất hiện nhiều mô hình nhà ở mới chẳng hạn như co-living.
Theo dự đoán của Liên hợp quốc, tính đến năm 2030 khoảng 70% dân số thế giới sẽ sống tại khu vực trung tâm thành phố. Lượng dân cư tại các đô thị lớn đang ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt bởi tỉ lệ tăng trưởng tự nhiên cao qua các năm và dòng người nhập cư đổ về sống tại các thành phố.
Trước tình hình "đất chật người đông", nhiều nước trên thế giới đã tìm đến các giải pháp mô hình nhà ở mới. Tại Hong Kong, để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, từ những năm 1960, chính quyền lãnh thổ này đã xây dựng hàng loạt các khu nhà ở xã hội dành cho các gia đình trẻ. Sự thành công bất ngờ của dự án nhà ở xã hội đã xây dựng một nền tảng văn hóa nhà ở chung tại các thành phố lớn, đặc biệt là những nơi có giá bất động sản ở mức "trên trời". Co-living (sống chung) được coi là một trong những mô hình nhà ở giúp cải thiện tình hình gia tăng dân số tại thành thị, và đặc biệt rất phổ biến với những người độc thân và giới trẻ.
Người trẻ ưu ái mô hình co-living bởi họ có cơ hội được kết nối với nhiều người, trải nghiệm đa dạng văn hóa mà tìm hiểu những gì họ mong muốn trước khi dừng chân và bắt đầu cuộc sống ổn định. Co-living cho phép người trẻ thích khám phá, tìm hiểu sống chung với những người khác trong không gian đầy đủ tiện nghi, tuy nhiên vẫn đảm bảo không gian riêng tư của mình và các chi phí đều được phân chia một cách sòng phẳng.
Vào tháng 9/2019, khu nhà ở co-living Funan Singapore tại Singapore đã được khánh thành, với diện tích rộng hơn 36.575 m2, gồm 279 căn hộ và 412 phòng ngủ. Có 5 loại căn hộ tại Funan với diện tích từ 18m2 - 105 m2, trong đó có những căn hộ có tới 6 phòng ngủ. Funan nằm tại trung tâm dân cư và văn hóa của Singapore, do đó cư dân của khu nhà này hoàn toàn có thể tự do di chuyển tới các nhà hàng, siêu thị, phòng gym,... Mô hình co-living được coi như là một giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng "đất chật người đông", nơi mà nhiều người có thể chung sống và tìm hiểu, giao lưu, đồng thời giảm thiểu, tiết kiệm chi tiêu.
Tại Tây Ban Nha, mô hình này cũng trở nên thịnh hành trong vài năm gần đây. Một công ty bất động sản đã thiết kế thành công một dự án với hơn 240 mô hình nhà ở chung co-living với mức giá vừa túi tiền tại các đô thị trung tâm thành phố dành cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, co-living đã giúp giải quyết bài toán về giá thuê nhà cao ngất ngưởng ngay cả khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 bằng cách chia sẻ chi phí và các tiện nghi hiện đại. Nhu cầu về nhà ở vẫn luôn tăng hàng năm, các khu căn hộ co-living đã tạo ra không gian sống linh hoạt, tối giản, có thể thay đổi và lắp ráp khi cần thiết, phù hợp cho nhiều người cùng sinh sống. Mô hình nhà ở chung đang dần trở nên phổ biến hơn tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khi tình trạng dân số ngày càng tăng và tỉ lệ người độc thân muốn sở hữu bất động sản tăng cao hơn.
Thậm chí, hậu đại dịch COVID-19, do nhiều công ty yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, không ít chủ sở hữu căn hộ co-living đã quyết định chuyển một số căn thành văn phòng cho thuê hoặc cho thuê làm phòng làm việc riêng tư. Nhờ vậy, các nhân viên có thể kết nối tốt hơn, tăng hiệu quả làm việc và giúp các công ty nhỏ, start-up tránh được chi phí thuê văn phòng cao trong khi ngân sách có hạn.
Mọt số chuyên gia nhận định, co-living có thể trở thành một xu hướng bất động sản mới trong thời gian tới tại Việt Nam. Khoảng 1-2 năm trở lại đây, hình thức nhà ở chung này đã xuất hiện tại Việt Nam, cùng với mô hình homestay, staycation, co-working space... Dù vậy, sự phát triển của mô hình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao Công ty TNHH CBRE Việt Nam, chia sẻ: Tương lai mô hình này cũng sẽ xuất hiện ở Việt Nam theo đúng nghĩa của nó, nhưng các chủ đầu tư phải nghiên cứu xem nhu cầu như thế nào vì sống chung đòi hỏi ý thức người thuê phải cao.
Ông Lê Tuấn Bình, Quản lý bộ phận đầu tư công ty tư vấn Savills Việt Nam, ông Lê Tuấn Bình cũng nhận định: “Tại Việt Nam có một vấn đề đó là tính pháp lý cho những mô hình chia sẻ vì việc sống chung sẽ dễ xảy ra các rủi ro về pháp lý cần giải quyết”. Nếu không sớm có khung pháp lý điều chỉnh, mô hình này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như condotel, farmstay,... gây ảnh hưởng tới cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.
Linh Chi