Nông dân Nghệ An khẩn trương thu hoạch hoa màu, lúa hè thu

15:45 | 11/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, bắt đầu từ ngày 9/9 bà con huyện Quỳnh Lưu đã bắt đầu thu hoạch rau màu, ở một số huyện khác bà con cũng đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu để chạy bão Conson.

Tại vùng chuyên canh rau màu ở huyện Quỳnh Lưu, nhiều cánh đồng đã ngặp trắng nước do mưa kéo dài trong nhiều ngày qua. Để hạn chế thiệt hại khi mưa bão đổ bộ, nông dân các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng đang khẩn trương xuống đồng để thu hoạch rau màu.

Với diện tích rau màu đang chuẩn bị thu hoạch, Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu đang chỉ đạo các xã tuyên truyền bà con bám đồng thu hoạch; đồng thời tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm kịp thời.

“Trong 3 sào hành thì hiện còn 1 sào đang sắp vào vụ thu hoạch; còn lại 2 sào đã bán trước đó. Nếu không có bão vào thì khoảng 10 ngày nữa mới thu hoạch. Tuy nhiên, mấy ngày nay mưa to gây ngập ruộng nên gia đình tranh thủ ra đồng để thu hoạch, mong bán được đồng nào hay đồng đó”, chị Ngân người dân trồng hành ở xã Quỳnh Lương cho biết.

Nhiều ruộng rau ngập trong nước sau cơn mưa dài ngày (ảnh: VH) 

Hiện nay, tổng diện tích rau màu ở các xã bãi ngang Quỳnh Lưu còn khoảng gần 400 ha, trong đó phần lớn là cây hành hoa. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá các loại rau giảm nhiều so với các năm. Cụ thể, hành hoa hiện có giá 3.000 đồng/kg, trong khi vào thời điểm này năm ngoái giá bán trên 10.000 đồng/kg; rau cải các loại giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Trong khi các địa phương thuộc hệ thống Thủy lợi Bắc đã thu hoạch cơ bản lúa hè thu, thì tại một số huyện vùng phía Nam như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc do gieo cấy muộn hơn nên vẫn còn nhiều diện tích chưa được thu hoạch. Đến ngày 10/9, vẫn còn trên 20% diện tích lúa hè thu chưa được thu hoạch, trong khi dự báo Nghệ An sẽ nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão. Bởi vậy, bà con nông dân đang khẩn trương tập trung thu hoạch lúa hè thu.

Theo ông Lê Viết Hùng - Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Nguyên,  “Mấy hôm nay, chúng tôi chỉ đạo các xã tổng lực, tập trung ra đồng thu hoạch lúa hè thu trên tất cả những diện tích chín từ 70%, thậm chí máy gặt cả buổi tối để chạy đua cùng thời tiết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diện tích lúa đang xanh, chỉ mới chín khoảng 50% nên chưa thể thu hoạch. Đến ngày 9/9, toàn huyện vẫn còn 1.300 ha lúa hè thu chưa thu hoạch, tập trung ở các xã Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam và Hưng Trung...”.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, do ảnh hưởng của bão số 5, từ ngày 12-14/9, ở các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa ở phía Bắc khu vực phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt; ở phía Nam khu vực phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp và khu đô thị.

Hôm nay, văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 145 về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Theo thông tin từ văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: do tình hình mưa lớn kéo dài, thường trực ban chỉ huy đã ra văn bản thông báo về việc vận hành xả nước điều tiết hồ chứa tại 2 nhà  máy thuỷ điện  Bản Ang ( Tương Dương)  và  Châu Thắng ( Quỳ Châu).

Nhà máy thuỷ điện Châu Thắng Quỳ Châu

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất cũng như các tình huống bất thường, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc các công ty thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng:

Theo dõi chặt chẽ tình hình bão số 5, mưa lớn để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao. Tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Sẵn sàng phương án vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, đề phòng ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.