Novaland, IMG, Hưng Thịnh kiến nghị gì khi họp với Thủ tướng về gỡ khó cho bất động sản?
Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thông điệp của Hội nghị là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng nêu rõ, một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong "một sớm một chiều". Song tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, các chủ thể có liên quan (các cơ quan quản lý, các địa phương, các bộ, các ngành, các doanh nghiệp, khách hàng và người dân có nhu cầu mua bán bất động sản) cùng nhau chung tay giải quyết, đề cao trách nhiệm mỗi chủ thể vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng phân tích, đánh giá khách quan, trung thực tình hình thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ và thị trường bất động sản hiện nay; phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản, tập trung vào các vấn đề liên quan tới pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch, tài chính, ngân hàng, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền...
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp đều gửi lời cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nghị quyết 33 và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn nói nghị quyết 33 là nguồn “oxy quý báu”, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn. Đến nay, các dự án của Novaland đã có hướng giải quyết, đang được tập trung tháo gỡ.
Theo đó, ông Nhơn kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc trong thời gian ngắn, thông suốt từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, Chính phủ cần tăng cường xây dựng, bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển.
“Không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý. Bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân và quyền lợi ích của doanh nhân theo quy định của pháp luật”, ông Nhơn nói.
Chủ tịch Novaland cũng mong có chính sách khuyến khích hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh...
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp thì chỉ ra đến nay quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ, doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai.
Thêm nữa, hiện tình trạng pháp lý nhiều dự án khó khăn nên những quy định về tiếp cận vốn sẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Vì vậy, trong ngắn hạn ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn, giúp luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản...
Đối với việc triển khai chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Trung đề xuất cần cho phép người mua nhà ở xã hội được chuyển nhượng bất động sản tự do. Sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất nhằm giúp đảm bảo nguồn thu ngân sách và hài hòa lợi ích các bên.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Tự Minh - chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG - thẳng thắn cho rằng bản chất của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà Chính phủ đang quan tâm nằm ở ba vấn đề.
Trước hết là chống đầu cơ đất khi hiện nay, việc đầu cơ đất và lũng đoạn thị trường bất động sản đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Người dân mua đất chờ thời cơ tăng giá, khiến một bộ phận lực lượng sản xuất "nằm ngủ" không phát huy tác dụng, rất phí phạm.
Từ kinh nghiệm của các nước, dùng thuế để điều chỉnh sự đầu cơ, ông Minh kiến nghị áp dụng mức thuế 2% thuế đất hằng năm và áp dụng thuế lũy tiến khi các khu đất không đưa vào kinh doanh, không sinh lời, giống như nước ngoài đang thực hiện.
Hai là vấn đề tăng lãi suất, theo ông Minh, đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10%. Bởi với mức lãi suất trung hạn có thời điểm trên 12 - 14% sẽ “không có nền kinh tế nào khỏe mạnh”, trong khi các nước từ 3 - 5%. Dẫn tới doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay và khách hàng mất niềm tin vào thị trường bất động sản.
Vì vậy, ông kiến nghị hạ lãi suất ở mức 8,5%; quy định biên độ 12 tháng dưới 3%. Có biện pháp để cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp bất động sản tham gia ngân hàng hoặc đầu tư cả hai lĩnh vực để tránh tình trạng “tạo nên những tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế”.
Cuối cùng, ông Minh nhấn mạnh việc cần phải tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xử lý hành chính, do đây là khó khăn lớn nhất. Thực tế, pháp lý có sự chồng chéo, cùng vấn đề có nhiều cách hiểu nên không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương.
"Lệ làng" ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các doanh nghiệp rất cơ cực. Chúng tôi không làm thì bị phạt. Nhưng cán bộ nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao. Chúng ta hiểu rõ, thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô” - ông Minh kiến nghị cần nhanh chóng hoàn thiện pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc.