Đâu là thế mạnh của BĐS khu vực Nam Hà Nội?

Đông Bắc 14:05 | 03/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khu vực phía Nam Hà Nội hiện đang có nhiều dự án khởi động nhờ sự thay đổi về hạ tầng. Các chuyên gia cho rằng khu vực phía Nam Thủ đô vẫn còn nhiều tiềm năng và sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

 

Diện mạo khu Nam Hà Nội đã thay đổi

Được coi là cửa ngõ Thủ đô, khu vực phía Nam Hà Nội có vai trò kết nối các tỉnh thành, địa phương mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế hội nhập và phát triển. Những năm qua, hàng loạt dự án đầu tư công lẫn đầu tư tư đã và đang từng bước hoàn thành, đưa vào khai thác nhằm hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ sự đầu tư bài bản về quy hoạch hạ tầng cũng sẽ giúp bất động sản đô thị vệ tinh sẵn sàng bùng nổ trong thời gian tới.

Theo giới chuyên gia, với vị trí đắc địa là cửa ngõ phía Nam cùng với những định hướng chiến lược quy hoạch đồng bộ thì khu vực này trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ.

Xét về mặt bằng chung, giá nhà đất khu Nam Hà Nội hiện nay tương đối thấp so với các khu vực khác. Bên cạnh đó, khu trung tâm Hà Nội đang đối diện với thách thức thiếu quỹ đất để phát triển dự án quy mô lớn, do đó, việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư tìm đến các đô thị vệ tinh là xu hướng tất yếu.

Hơn nữa, quỹ đất khu vực trung tâm thành phố Hà Nội ngày càng khan hiếm do đó sự dịch chuyển, phát triển ra các quận huyện vùng ven là xu hướng tất yếu, và phía Nam Thủ đô được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng trong tương lai. Các chuyên gia cho rằng, sức bật từ những "đòn bẩy thép" trong quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đang từng bước đưa phía Nam Hà Nội trở thành trung tâm mới của Hà Nội, thu hút đông đảo cộng đồng cư dân văn minh đến sinh sống và làm việc.

 

 Khu vực phía Nam Hà Nội đang được nhiều "ông lớn" BĐS quan tâm đầu tư. Ảnh VNE.

Thực tế cho thấy, TP Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng tại khu vực phía Nam, đồng thời quy hoạch bài bản lộ trình các huyện lên quận vào năm 2025.

Trên thực tế, từ vài năm trở lại đây, lượng người dân đổ về khu phía Nam Thủ đô tăng lên nhanh chóng. Sức hút của khu vực này ngày càng tăng lên khi nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản lựa chọn phía Nam để phát triển các dự án lớn, những đô thị vệ tinh phục vụ nhu cầu của người dân nơi đây.

Hiện nay, hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã đổ bộ về đây đầu tư và phát triển nhiều khu đô thị có quy mô từ vài ha đến vài chục ha, có thể kể đến như: Khu đô thị Cầu Bươu 21ha, Khu đô thị Xa La 20 ha, Khu nhà ở Tổng cục V 23 ha, Khu đô thị thương mại dịch vụ Inoha City thuộc tổ hợp công nghiệp - đô thị quy mô hơn 600 ha... Ngoài ra, một số dự án chung cư cũng đạt mức thanh khoản cao tại khu vực này thời gian qua như: Chung cư Hateco, tổ hợp The One Residence và The Two Residence thuộc dự án Gamuda Gardens…

Bên cạnh đó, thời gian gần đây tại khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội cũng xuất hiện thêm nhiều dự án chung cư mới, đang thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng như dự án Tứ Hiệp Plaza. Đây là dự án nhà thương mại có mức giá rẻ nhất khu vực cửa ngõ phía Nam, được định vị ở phân khúc “nhà bình dân” với mức giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Khu Nam Hà Nội còn nhiều dư địa phát triển

Đánh giá về nguồn cung hiện hữu ở phía Nam Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định, quận Hoàng Mai có nguồn cung sơ cấp đối với căn hộ đứng thứ 3 và đối với biệt thự liền kề đứng thứ 2 trên thị trường. Đối với nguồn cung thứ cấp, quận Hoàng Mai đang đứng thứ 2 về số lượng căn hộ đã bán, chiếm thị phần 16%, trong khi đó quận Nam Từ Liêm đứng đầu với 20% và đứng thứ 3 đối với phân khúc biệt thự liền kề, chiếm đến 14% thị phần ở Hà Nội. Như vậy, nguồn cung thứ cấp quận Hoàng Mai hiện đang chiếm khá nhiều.

“Hiện nay, huyện Thanh Trì cũng đã có những dự án căn hộ phát triển nhưng chưa nhiều. Do đó, bức tranh thị trường bất động sản phía Nam hiện nay vẫn chỉ nổi bật ở quận Hoàng Mai. Bên cạnh đó, bản thân những quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình… đã không còn nhiều quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở. Do vậy, nguồn cầu sẽ phải di chuyển ra các khu vực vùng ven. Và khu Nam Thủ đô được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án bất động sản mới trong tương lai”, bà Đỗ Thu Hằng phân tích thêm.

 TP Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng tại khu vực phía Nam. Ảnh BĐT. 

Theo bà Đỗ Thu Hằng, các dự án phát triển bất động sản ở phía Nam Hà Nội chủ yếu tập trung phân khúc thấp và trung cấp. Khu Nam hiện đang có quỹ đất lớn trong khi đó chi phí đất không cao bằng các khu vực khác ở Hà Nội nên đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vì giá đầu vào thấp nên giá thành sản phẩm sẽ ở mức hợp lý. Cụ thể, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình quận Hoàng Mai đạt khoảng 33 triệu đồng/m2 và liền kề có giá bán sơ cấp trung bình khoảng 240 triệu đồng/m2 từ dự án có vị trí đẹp của quận. Trong khi giá bán thứ cấp các hạng mục thấp tầng trong dự án ở quận này như liền kề từ 73 - 300 triệu đồng/m2 và biệt thự từ 89 - 235 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cũng nhìn nhận những huyện để lên được quận vào năm 2025, trong đó có huyện Thanh Trì thì chính những địa phương này cần phải có sự đầu tư bài bản để đáp ứng các tiêu chí. Do vậy, điều kiện hạ tầng hay điều kiện để thu hút dân cư cũng sẽ được cải thiện hơn.

Nhận định về thị trường bất động sản khu vực phía Nam Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, hiện nay tốc độ phát triển của khu vực phía Nam Thủ đô đang được đẩy lên cao trào, thu hút nhiều dự án về phát triển khu kinh tế, hạ tầng đô thị… do đó, thị trường bất động sản nơi đây đang có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.

“Tôi cho rằng khu vực phía Nam Hà Nội sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới và thu hút được nhiều dự án đầu tư chất lượng cao. Bởi, khu vực này còn nhiều dư địa phát triển do trước giờ chưa được đầu tư nhiều, quỹ đất còn rộng lớn”, TS. Nguyễn Văn Đính nhận định.