Giá bán giảm, lượng tồn kho bất động sản vẫn tăng cao

Đông Bắc 08:05 | 03/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, giá các phân khúc bất động sản tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm nhưng lượng tồn kho vẫn tăng cao.

  

Giá bất động sản giảm

Theo công bố thông tin chính thức về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2023 do Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa phát hành, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch thứ cấp căn hộ chung cư tại một số địa phương có xu hướng giảm từ 2 - 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những địa phương có xu hướng giảm mạnh là Đà Nẵng giảm 5,8%, Đồng Nai giảm 3,5%, Hải Phòng giảm 3,1%.

Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có biến động và không có dự án mới. Giá sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ chung cư đạt khoảng 47,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì).

Riêng TP Hà Nội, giá chung cư ghi nhận giảm ở phân khúc trung cấp tại một số khu vực có dự án đã đi vào sử dụng nhiều năm như dự án CT4 Vimeco II (Cầu Giấy) giảm khoảng 1,4%, Imperial Plaza (Thanh Xuân) giảm khoảng 1,9%.

Còn tại TP HCM, giá bán trung bình căn hộ trong quý vừa qua cũng có xu hướng giảm tại một số dự án do các dự án mới có giá cạnh tranh và các chủ đầu tư đưa ra nhiều chiết khấu cho khách hàng.

 Giá bất động sản tiếp tục giảm trong quý II/2023. Ảnh DN.

Đơn cử như Dự án Citi Home (quận 2) giảm khoảng 2,1% (xuống mức 26,6 triệu đồng/m2), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân) giảm khoảng 2,8% (xuống mức 36,9 triệu đồng/m2), Z751 Hà Đô (quận Gò Vấp) giảm khoảng 2,9% (xuống mức 42,2 triệu đồng/m2), dự án Elysian Lò Lu (quận 9), dự án 9X An Sương (Hóc Môn) giảm khoảng 2,3% (giá bán dao động khoảng từ 30 - 40 triệu đồng/m2).

Tuy nhiên, với các dự án căn hộ đang phát triển, có đầy đủ pháp lý và gần như độc quyền để chào hàng khi thị trường không có nhiều nguồn cung thì giá bán vẫn tăng khoảng 2 - 3% so với quý trước.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án thì người mua không còn quan tâm như trước do nhiều nhà đầu tư đang gặp vấn đề về dòng tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và chủ đầu tư ngưng hỗ trợ lãi suất cho vay, trong khi thị trường có tính thanh khoản giảm mạnh, dẫn đến giao dịch mang tính bán cắt lỗ ngày càng tăng.

Trong quý II, giá bán của phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2 - 5% so với quý trước và có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực trong thời gian tới.

Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều, nổi bật là các huyện ven đô và khu vực ngoại thành như: Quận Hà Đông, huyện Mê Linh, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè (TP HCM); quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Tồn kho bất động sản hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù quý II/2023 đã có những tín hiệu tích cực nhưng lượng tồn kho bất động sản được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng. Giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thống kê từ số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh), Bộ Xây dựng cho biết, lượng tồn kho bất động sản trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền).

Trong số đó, chung cư khoảng 1.714 căn, nhà ở riêng lẻ 7.473 căn và đất nền 7.501 sản phẩm. Như vậy, tỷ trọng tồn kho chủ yếu vẫn tập trung ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Bộ Xây dựng nhận định, trong quý II năm 2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án bất động sản đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.