Ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi năm 2023

Đức Dũng/ TTXVN 08:00 | 18/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức diễn ra vào ngày 17/12, phiên 4 với chủ đề "Phát triển thị trường lao động bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội", các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp để từ đó ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi năm 2023.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự báo, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

Theo ông Ngọ, ngoài các giải pháp về hỗ trợ việc làm, tuyển dụng lao động, thì cần tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành hỗ trợ người lao động, chính thức hơn các chính sách tạm thời, bảo đảm việc làm, thu nhập và an sinh lâu dài cho người lao động.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành chính sách mới hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với người lao động ở 3 mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề; đồng thời tham khảo để ban hành gói hỗ trợ riêng cho người lao động tương tự các chính sách hỗ trợ người lao động như thời gian dịch COVID-19, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; bổ sung thêm chính sách hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm việc tiêu chuẩn trong tháng dẫn đến tiền lương trong tháng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Cùng với đó, quan tâm và ban hành các chính sách hỗ trợ cho đối tượng lao động yếu thế, dễ bị tổn thương như lao động di cư, lao động lớn tuổi, lao động nữ, lao động trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động là người khuyết tật.

Với doanh nghiệp, tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để doanh nghiệp trả lương cơ bản giữ chân người lao động, đào tạo người lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi vị trí việc làm trong doanh nghiệp..

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau.

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó, Ths. Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI kiến nghị tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất...).

Về chính sách hỗ trợ tín dụng cần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất; điều chỉnh các chính sách thị trường lao động phù hợp hơn với thực tiễn, linh hoạt và hiệu quả hơn; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý…

Khác với tất cả các năm trước, khi các doanh nghiệp và người lao động triển khai kế hoạch tăng ca, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác, thì năm nay, hàng vạn người lao động về quê đón Tết trước hàng tháng, thậm chí là vài tháng. Theo nhận định từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần. Đối với nền kinh tế, đó là sự giảm sút về năng suất lao động, giảm sút về tổng sản phẩm, về giá trị kinh tế và kéo theo là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022, thậm chí sang những tháng tiếp theo của năm 2023, tác động tới cân đối lớn của cả nền kinh tế.

Đối với thị trường lao động, loại trừ yếu tố biến động cục bộ, việc người lao động mất việc hiện nay sẽ tác động lớn đến tính bền vững của thị trường; thúc đẩy dòng chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức diễn ra mạnh hơn và khó kiểm soát hơn; giảm không nhỏ lực lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm, đã qua đào tạo khỏi thị trường vốn đã thiếu hụt lao động chất lượng cao; giảm nguồn cung của thị trường trong ngắn hạn (hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động mới dù nhiều lao động mất việc làm). Những điều này khó có thể bù đắp được trong ngắn hạn.

"Đối với doanh nghiệp, việc cắt giảm đơn hàng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Việc mất lao động hiện tại có thể chưa mang lại tác động tức thời do doanh nghiệp không có việc làm để giữ người lao động, nhưng những tháng tới, khi tình hình được cải thiện, tốt dần lên, doanh nghiệp cần lao động có tay nghề chắc chắn sẽ khó tuyển dụng và tốn kém rất nhiều chi phí để có lại được lực lượng lao động như trước", ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.