Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Thị trường lao động tiếp đà khởi sắc

Thanh Trà 09:58 | 01/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được nhiều địa phương triển khai hiệu quả, doanh nghiệp tiếp tục có đơn hàng, mở rộng sản xuất kinh doanh đã khiến thị trường lao động tại nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục đà khởi sắc, dự báo mang lại nhiều cơ hội cho người lao động trong những tháng còn lại của năm nay.

Nhiều cơ hội cho người lao động 

Ghi nhận tại nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy, nhu cầu tuyển lao động tăng cao trong 7 tháng đầu năm. Trong những tháng còn lại của năm 2022, nhiều doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng với lượng lao động tương đối lớn.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm cho đến ngày 20/7/2022, thành phố đã cấp phép cho trên 25.310 doanh nghiệp, tăng 20% về giấy phép so cùng kỳ năm 2021; trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có trên 18.500 doanh nghiệp thành lập, tăng tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng mạnh, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 7,7% so với cùng kỳ. Những kết quả này cho thấy nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, cùng với đó là nhu cầu tuyển lao động cũng tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, từ nay đến cuối năm, thị trường lao động tại thành phố cần từ 136.000-150.000 chỗ làm việc, tạo trung ở các lĩnh vực: thương mại-dịch vụ, các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố như chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất- cao su - nhựa, cơ khí, điện tử  xây dựng, tuy nhiên nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm khoảng trên 13%.

Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, tại 2 phiên giao dịch việc làm do đơn vị tổ chức trong tháng 7, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giày da, bất động sản, bảo hiểm, thực phẩm tham gia đăng ký tuyển tổng cộng trên 3.000 lao động; trong đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông ở các phiên dao động từ 88 - 92%. Tuy nhiên, tại 2 phiên giao dịch này, mới chỉ có khoảng 600 lao động có nhu cầu tìm việc làm và tìm hiểu thông tin về việc làm tham gia sàn việc làm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai nhận định, tại tỉnh đang thiếu hụt các ứng viên là lao động phổ thông để cung ứng đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động.

Tương tự, thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, trong quý III năm nay, các doanh nghiệp ở Bình Dương có nhu cầu tuyển khoảng 15.000 - 20.000 lao động; trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề trong các lĩnh vực may, gỗ, giày da, dệt nhuộm, hàn, cắt cơ khí.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp thực hiện đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 80.900 lao động. So với cùng kỳ năm 2021, nhu cầu tuyển dụng tăng trên 48%. Trong khi đó, nguồn cung chỉ đáp ứng 51% nhu cầu tuyển lao động, thị trường lao động vẫn đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung. Ngoài ra, nhu cầu thị trường đang cần nguồn lao động ở bậc học trung cấp trở xuống chiếm tỷ lệ khá cao trong khi khả năng đáp ứng của nguồn cung còn thấp. 

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại

Thị trường lao động khởi sắc, nhu cầu tuyển lao động tăng tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu tìm việc làm phù hợp. Song, tại một số địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn xảy ra tình trạng mất cân đối cung- cầu lao động, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Thực tế này này đòi hỏi các cấp, các ngành  có giải pháp phát triển thị trường lao động cân đối, đồng bộ, linh hoạt và hiện đại.

Giải pháp trước mắt được một số địa hương đưa ra là tăng cường thông tin, đa dạng các hình thức kết nối cung- cầu lao động. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm, từ nay đến cuối năm, trung tâm tăng cường kết nối, thông tin với các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, để thông tin và tạo thuận lợi cho người lao động đến Đồng Nai tìm việc làm; đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp chưa tuyển đủ lao động đăng thông tin tuyển dụng trên các cổng thông tin điện tử của trung tâm, các trang mạng xã hội.

Ngay trong tháng 8, trung tâm sẽ tổ chức  2 phiên giao dịch việc làm trực tiếp; trong đó có phiên được kết nối trực tuyến với Sàn giao dịch việc làm các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, tạo thuận lợi cho lao động đã về nước sau khi hoàn thành hợp đồng theo Chương trình hỗ trợ người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động với người lao động. 

Với tỉnh Bình Dương, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, bước vào quý III, các doanh nghiệp áp dụng quy định tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động theo quy định. Hiện, tỉnh Bình Dương không có địa phương vùng II, vùng III, vùng IV. Như vậy người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương được hưởng mức lương không thấp hơn 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ.

Với ưu thế thuộc vùng I, Bình Dương sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn lao động nếu các doanh nghiệp có chính sách tiền lương và chế độ phúc lợi đảm bảo đời sống cho người công nhân lao động. Ngoải ra, trong quý III và quý IV còn có lực lượng lao động trẻ bổ sung cho thị trường lao động sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cùng với lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp sẽ gia nhập thị trường lao động.

Bên cạnh các giải pháp trước mắt, để phát triển thị trường lao động bền vững, cân đối, hiện đại và linh hoạt, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ là phát triển thị trường lao động linh hoạt, song phải hướng tới việc làm bền vững, phải bảo vệ được quyền lợi của các bên, đặc biệt là người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phải tạo cơ hội việc làm đầy đủ để thúc đẩy thị trường lao động linh hoạt. Cơ hội việc làm đầy đủ chính là để phát huy hiệu quả toàn bộ lực lượng lao động. Các địa phương, ngành chức năng tiếp tục tăng cường giáo dục, đào tạo để tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế nhằm tăng tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn, năng suất lao động cao. Song song với đó, cần chú trọng tới việc bảo đảm tiền lương, thu nhập, an sinh xã hội, điều kiện lao động và môi trường làm việc an toàn cho người lao động, chỉ có như vậy mới tạo sự phát triển bền vững của thị trường lao động.