Phát hành trái phiếu bất động sản giảm sâu 6 tháng đầu năm

Đông Bắc 16:29 | 13/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều thứ hai (sau ngành ngân hàng) trên thị trường 6 tháng đầu năm với tổng giá trị gần 42.600 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị trái phiếu phát hành của nhóm này giảm hơn 31%.


 Phát hành trái phiếu bất động sản đứng sau ngành ngân hàng. Ảnh minh họa. 

 Theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) trong 6 tháng đầu năm, nhóm bất động sản  đứng vị trí thứ hai về giá trị phát hành trái phiếu với 42.583 tỷ đồng, chỉ sau ngành ngân hàng.

So với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị trái phiếu phát hành của nhóm này giảm hơn 31% nhưng vẫn chiếm 26% tỷ trọng toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC) là doanh nghiệp duy nhất trong ngành và toàn thị trường phát hành trái phiếu ra quốc tế trong nửa đầu năm. Tổng giá trị hai đợt phát hành là 625 triệu USD.

Nếu tính riêng tháng 6,  Vingroup vẫn dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng). Về trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, Novaland đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng với tổng giá trị phát hành gần 2.300 tỷ đồng,  sau đó là Tập đoàn Nam Long với 500 tỷ đồng... 

Thời gian qua, kênh trái phiếu hạ nhiệt ở doanh nghiệp bất động sản sau một số vụ việc vi phạm riêng lẻ. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát khung pháp lý với các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phát hành, nhất là phát hành riêng lẻ. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đầu tư, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là ở mảng kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, kết quả kinh doanh âm, không có tài sản đảm bảo.

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản từ đầu năm 2021 đến nay. Nguồn:  Đông Bắc tổng hợp từ VBMA. 

Trước đó, trong tháng 4, sau vụ việc liên quan đến tập đoàn Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước hoàn toàn vắng bóng trái phiếu bất động sản. Sang tháng 5, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại, tuy ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu.

Cụ thể, nếu không tính 525 triệu USD trái phiếu quốc tế của Vingroup thì trong tháng 5/2022, một số doanh nghiệp bất động sản quay lại với kênh trái phiếu có thể kể đến như Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào ngày 17/5; Công ty Hội An Invest cũng tiến hành một số đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 5, huy động 300 tỷ đồng…  

Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, cho rằng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực địa ốc có thể sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong vài quý tới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giám sát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư địa ốc cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ.

Trong khi đó, FiinGroup cho rằng trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức rất thấp trong nhiều năm qua và kênh tín dụng bất động sản  từ ngân hàng bị hạn chế tăng trưởng. Tuy nhiên, áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn là đáng lưu ý, nhất là trong khoảng 2-3 năm tới đây.

Cụ thể, quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản khoảng 189.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Số liệu của FiinGroup chỉ ra rằng gần 3/4 trong đó sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới (2022-2024). Điều này tạo áp lực trả nợ lớn hơn của các doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh dần hồi phục sau giãn cách, những sự kiện và thay đổi về pháp lý.