Tăng nguồn cung nhà ở xã hội không chỉ dựa vào tín dụng
Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với thời điểm cuối năm 2022 và chiếm khoảng 1/5 tổng dư nợ toàn nền kinh tế, dù vậy đang tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý khi sức mua của thị trường vẫn thấp. Trong khi đó, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất cao trên 20%. Đây là nội dung đáng chú ý nêu ra tại Hội nghị tín dụng với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 13/11 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp cho biết hạn mức được vay khoảng 5.000 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được hơn 2.000 tỷ đồng thì ngân hàng thương mại đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng của năm nay.
Hiện các doanh nghiệp nhà thầu, các nhà cung cấp nguyên vật liệu hầu như chỉ vay vốn ngắn hạn. Trong khi đó, điều kiện pháp lý các dự án bất động sản kéo dài, chủ đầu tư khó xoay xở dòng tiền để thanh toán. Vướng mắc dòng tiền cũng khiến các chủ đầu tư không đáp ứng đủ số vốn đối ứng.
Dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng không thể phủ nhận chất lượng tín dụng bất động sản đang phát đi những tín hiệu cảnh báo. Tỷ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đến tháng 9 là gần 2,9%, đã tăng hơn 1% so với thời điểm cuối năm 2022.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho biết, gói lãi suất 2% không chạy dù đã cố gắng. Ông Vinh đề xuất gói này hỗ trợ cho người mua nhà. Còn với doanh nghiệp bất động sản, ông nói "phải thay đổi, xem lại mình", đặc biệt ở việc minh bạch trong sử dụng vốn, không thể "ôm" tất cả dự án. "Chúng tôi cũng là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn", ông Vinh nói.
Bà Lê Thùy Linh, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư IMG thì kiến nghị cần có thêm giải pháp khôi phục lòng tin của nhà đầu tư, khi đây là nút thắt lớn khiến dòng tiền chưa khôi phục. Ngoài ra, với gói tín dụng cho nhà ở xã hội chưa giải ngân được, đại diện IMG đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cân nhắc việc chuyển từ hỗ trợ lãi suất sang hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, đến nay, trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình của 23 UBND các tỉnh, thành phố, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 1.091 tỷ đồng, cho 3 dự án, số tiền giải ngân đến nay là 105 tỷ đồng. Đồng thời đã cam kết cấp tín dụng cho 2 dự án với số tiền cam kết là 605 tỷ đồng.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này, khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình. Ngoài ra, Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55.5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20.4%) là chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các NHTM thẩm định. Do đó, việc triển khai Chương trình còn chưa được như dự kiến.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: "Bộ Xây dựng sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề tồn đọng. Thứ nhất là trong xây dựng pháp luật, phối hợp cùng các cơ quan Quốc hội để rà soát lại các dự án, các DN bất động sản và góp ý cho các Nghị định, Thông tư, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN bất động sản".
Thứ hai, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp để xử lý các đề xuất, kiến nghị của địa phương trong nhà ở, phát triển nhà ở xã hội với mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tích cực rà soát, cơ cấu lại các dự án, sản phẩm. Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cùng các DN bất động sản tháo gỡ khó khăn cho các dự án...
Kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Hiệp hội, DN bất động sản cũng như phản hồi từ các NHTM.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt các biện pháp, thành lập Tổ tháo gỡ khó khăn và đã có chuyển biến tích cực.
Để tăng cung nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng là đầu mối cùng các bộ ngành địa phương triển khai, NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng để có sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp. Vấn đề hiện nay theo thống kê của Bộ Xây dựng là có 50% nhu cầu nhà ở không đủ điều kiện vay. Do đó, để giải quyết vướng mắc, cần sửa đổi các quy định như Luật Kinh doanh bất động sản...
Thống đốc khẳng định, NHNN chỉ đạo các TCTD bám theo đúng tinh thần chỉ đạo theo đúng Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, cần bảo đảm cân đối cung cầu, quản trị DN. Các DN BĐS nên điều chỉnh giá bán, điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận để thúc đẩy thị trường.
"NHNN đề nghị các TCTD cân đối vốn, tiếp tục cung ứng cho nền kinh tế nói chung và BĐS nói riêng, trong đó, khuyến khích cho các DN kinh doanh hiệu quả vay vốn", Thống đốc nêu quan điểm.
Về thủ tục, người đứng đầu ngành ngân hàng đề nghị các TCTD và DN cần ngồi lại trao đổi về các dự án cụ thể để có giải pháp chung thống nhất, cần lưu ý "đơn giản hóa nhưng hồ sơ phải minh bạch, lành mạnh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân’.
"NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho các DN đặc biệt là DN có uy tín cao trong quá trình vay vốn. Về tài sản đảm bảo, lãnh đạo NHNN khẳng định không có quy định nào bắt buộc phải có, với ngân hàng quan trọng là tính khả thi của dự án, DN cần chứng minh dự án có tính khả thi", Thống đốc nói.