Thanh toán không dùng tiền mặt: Mục tiêu phần lớn người dân có tài khoản ngân hàng trong năm 2025

Duy Anh 11:00 | 01/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt.

Theo đó, nội dung chính là loạt giải pháp mạnh cho giai đoạn những năm sắp tới, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. 

Mục tiêu lần này được Chính phủ đặt ra là đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó  tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Kế hoạch đề ra đến năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt cần đạt gấp 25 lần GDP , thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử chiếm 50%. Phần lớn dân số, cụ thể là 80% ngườitừ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tăng số điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 450.000 điểm.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Mục tiêu hanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công được nêu ra trong đề án là: Từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

Theo ông Phạm Tiến Dũng  - Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay Việt Nam có đầy đủ về công nghệ, trên thế giới có gì Việt Nam đều có. Nước ta được đánh giá là nước phát triển nhanh nhất về thanh toán mobile trong khu vực. 

Nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể được nêu ra, các cơ quan quản lý sẽ triển khai nhiều các giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết  giai đoạn 2016 - 2020, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng có xu hướng tăng dần với giá trị giao dịch lớn. Tổng phương tiện thanh toán tăng dần theo tỷ lệ từ 86% ở năm 2016 lên đến 88,95% vào năm 2020. Điểm nổi bật là thanh toán bằng thẻ ngân hàng đang là một trong những phương tiện thanh toán nội địa chủ yếu cho khu vực dân cư; tỷ trọng thanh toán bằng thẻ trong tổng phương tiện thanh toán tăng lên cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch, số thẻ được phát hành cho người dân đã có sự tăng trưởng khá nhanh; nếu như năm 2016, toàn thị trường mới có khoảng 111 triệu thẻ thì đến cuối năm 2018, con số này đã lên tới hơn 153 triệu thẻ, tăng gần 38%. Đến nay, đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng…