Thêm một lãnh đạo cấp cao của FLC xin từ nhiệm

Lâm Anh 15:28 | 23/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Nguyễn Tri Thống gia nhập vào Ban kiểm soát FLC từ tháng 7/2022.

Ngày 23/11, CTCP Tập đoàn FLC (: FLC) cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát của ông Nguyễn Tri Thống. Song, công ty không nêu rõ lý do ông từ nhiệm.

Ông Thống sinh năm 1976, có trình độ thạc sĩ kinh tế. Ông từng giữ chức Kế toán trưởng tại CTCP Xây dựng số 2 - Contrexim và hiện là Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng Hạ tầng 68 (Cienco 68).

Ông Thống được đề cử vào Ban kiểm soát FLC tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 7/2022.

Hồi tháng 8, HĐQT công ty đã họp và thống nhất trình ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Lê Thái Sâm tại cuộc họp gần nhất.

Ông Sâm được bầu làm thành viên HĐQT FLC tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 2/7/2022 cùng với hai thành viên khác là ông Lê Bá Nguyên và ông Doãn Hữu Đoàn.

ĐHĐCĐ bất thường của FLC diễn ra vào tháng 3. (Ảnh: FLC).

Vào ngày 1/12 tới đây, FLC dự kiến chốt danh sách cổ đông đăng ký tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2023. Thời gian và địa điểm tổ chức sẽ được công ty thông báo chi tiết sau.

Tại cuộc họp, HĐQT sẽ báo cáo về kết quả tái cơ cấu Tập đoàn FLC và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Hồi tháng 3, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, cổ đông công ty đã thông qua phương án tái cơ cấu toàn diện (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, kinh doanh…).

Nhiều nhóm giải pháp quan trọng trong phương án tái cơ cấu của FLC đã được thông qua như: tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của Tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ  dự án, liên doanhliên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án; linh hoạt trong phương án huy động vốn, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, xử lý nợ xấu, giải quyết sạch về công nợ, duy trì và phát triển hoạt các hoạt động, các lĩnh vực thế mạnh của Tập đoàn…

Với các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư, ĐHĐCĐ chấp thuận đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoại bảng với các khoản nợ xấu khó đòi; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng 100% với các khoản hiện đang cần xem xét, đàm phán để thu về.

Với các khoản đầu tư của Tập đoàn tại các công ty con, công ty liên kết: thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có).