Thêm một tổ chức hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022, kinh tế Việt Nam cũng đối diện nhiều thách thức

Nguyễn Thị Thùy Dung 15:30 | 15/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hôm 12/5, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 12/5 vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 do ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng địa chính trị và các biện pháp hạn chế được áp dụng phòng chống dịch COVID-19. Trong nước, triển vọng kinh tế được dự báo đối diện nhiều thách thức.

Các tổ chức kinh tế thế giới liên tục hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu

Trong báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng vừa công bố tuần qua, OPEC dự báo kinh tế thế giới năm 2022 sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 3,5%, giảm đáng kể so với mức dự báo 3,9% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 4. 

OPEC lý giải việc hạ dự báo là do những thách thức đáng kể mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt, bao gồm căng thẳng địa chính trị không có dấu hiệu hạ nhiệt, diễn biến phức tạp của đại dịch, lạm phát gia tăng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, nợ chính phủ cao ở nhiều khu vực và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ được dẫn dắt bởi các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu tại Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật Bản cũng như các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu…

Trước đó, hôm 18/4, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng tuyên bố hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay về mức 3,2%, giảm mạnh so với ước tính trước đó là 4,1% do những thách thức đáng kể từ xung đột ở Ukraine, tình hình lạm phát và tác động kéo dài của đại dịch.

Hôm 19/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tuyên bố cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6% trong năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. 

IMF cho rằng xung đột Nga - Ukraine là yếu tố chính làm xấu đi đáng kể triển vọng kinh tế năm nay. Tuy nhiên, ngay cả trước khi chiến sự bùng nổ, nền kinh tế đã phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát tăng vọt do mất cân đối cung cầu dẫn đến xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, việc Trung Quốc theo đuổi lập trường Zero-COVID đe dọa kéo dài tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng…

“Rủi ro kinh tế nhìn chung đang tăng mạnh”, IMF nhấn mạnh.

Triển vọng kinh tế trong nước nhiều thách thức

Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu đối diện nhiều thách thức, đã xuất hiện nhiều dự báo “chia rẽ” về triển vọng cho kinh tế Việt Nam năm nay. 

Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuần qua, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định trong 4 tháng đầu năm, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp song nhìn chung, nền kinh tế trong nước vẫn tiếp tục duy trì đà phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng được bảo đảm và thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan. 

Đồng thời, 4 tháng đầu năm có 49.591 doanh nghiệp mới thành lập, mức cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay tại Việt Nam. Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy FDI đăng ký giảm nhưng FDI thực hiện trong 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD,  cao nhất trong các năm 2018-2022. Đây là những yếu tố được đánh giá sẽ tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Mặc dù nhiều triển vọng, Thứ trưởng Phương cũng nhắc đến những thách thức với nền kinh tế như đại dịch COVID-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế-chính trị quốc tế đang có nhiều biến động lớn.

Trước đó, tại “Hội thảo Khoa học Quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 25/4/2022 tại Hà Nội, các chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân tăng trưởng GDP năm nay có khả năng cao đạt được mục tiêu 6-6,5% trong năm 2022, tuy nhiên mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là khó đạt được. 

Theo nhóm nghiên cứu này, động lực tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn đến từ đầu tàu khu vực kinh tế đối ngoại, đóng góp lớn đến sản xuất sản phẩm chế biến chế tạo và xuất khẩu.

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá rằng việc dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay đạt mục tiêu 6-6,5% là không logic do nhiều thách thức kinh tế như lạm phát cao hơn dẫn đến xu hướng chính sách tiền tệ nới lỏng không còn phù hợp, gói trợ cấp 2% lãi suất có thể phải thu hẹp lại… Ngoài ra, bất ổn địa chính trị toàn cầu và tác động từ chính sách Zero-COVID tại Trung Quốc cũng đang gây ra những thách thức lớn.

Tại tọa đàm "Quan điểm chính sách VEPR - Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới" của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đang đối diện nhiều trở lực.

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dù FDI thực hiện đạt kỷ lục nhưng FDI đăng ký 4 tháng đầu năm chỉ đạt 10,8 tỷ USD; bằng 88,3% cùng kỳ năm 2021. Trong đó, FDI đăng ký mới giảm 56,3% trong khi vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt 92,5% và 74,5%.

Ông Cung cho rằng “cần thẳng thắn thừa nhận Việt Nam không còn là điểm sáng để thu hút FDI nữa, bởi Việt Nam không khôi phục nhanh như trước cả về số và tốc độ tăng trưởng”.

Hay về đầu tư công, ông Cung cho rằng câu chuyện giải ngân chậm, kém hiệu quả vẫn là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". “Ví dụ như có 100 dự án thì chúng ta chỉ phân bố được nhiều nhất là 95, 97… Tuy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, và đã có những ý kiến đề xuất thay đổi về biện pháp giải phóng mặt bằng, nhưng vấn đề nằm ở từng dự án chứ không hẳn là thể chế”.

Vị chuyên gia cho rằng để thúc giải ngân đầu tư công, cần thiết tạo áp lực để trở thành động lực nội sinh. “Tôi cho rằng sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, kết hợp với việc đánh giá thường xuyên và độc lập về kết quả thực hiện, sẽ tạo ra áp lực bên ngoài dội vào và từ trong ra, như thế giải ngân sẽ mạnh mẽ hơn...", ông Cung nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV thì đưa ra 3 kịch bản dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2022-2023. Trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 5,5-6% trong năm nay, trong khi với kịch bản tiêu cực, mức tăng trưởng có thể chỉ dừng lại ở 4,5-5% và kịch bản tích cực là 6-6,5%. 

Việc đạt kịch bản tăng trưởng nào sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ thực hiện chương trình phòng, chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá gần 350 nghìn tỷ cũng như khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga - Ukraine, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.