Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ biến động ra sao?

Đông Bắc 15:44 | 09/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm, thị trường bất động sản (BĐS) diễn ra khá sôi động so với cùng kỳ 2 năm trước (2020, 2021). Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm khó tăng nhiệt.

 

Sôi động 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Xanh Services (FERI) tại TP  HCM, giá bán căn hộ trong quý II ghi nhận ở mức 65 triệu đồng mỗi m2, tăng 3% theo quý. Sự điều chỉnh giá chủ yếu đến từ các dự án ở khu Đông khi mở bán giai đoạn mới. Tại thị trường BĐS các tỉnh lân cận TP HCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An) ghi nhận mức tăng từ 2% đến 6%.

Trong đó, ở phân khúc nhà phố, Đồng Nai lại ghi nhận mức giá cao nhất với 91 triệu đồng mỗi m2, Bình Dương giá cao nhất ở mức 80 triệu đồng mỗi m2, Long An chỉ ở mức 56 triệu đồng mỗi m2. Giá bán sơ cấp nhà phố, biệt thự ở TP HCM và vùng phụ cận ngày càng tăng. TP HCM thiết lập mặt bằng giá mới với mức giá 700 tỷ đồng/căn. Đồng Nai ghi nhận mức giá cao nhất 107 tỷ đồng/căn.

Chia sẻ tại buổi báo cáo thị trường của DKRA Việt Nam, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho biết giá đất, giá nhà tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua đến từ một số nguyên nhân khách quan như thông tin triển khai các dự án cơ sở hạ tầng. Trong đó, khu vực miền Nam chịu tác động nhiều nhất từ kế hoạch trung hạn, với nhiều dự án đường cao tốc, dự án sân bay quốc tế…

Nguồn vốn ngân hàng thương mại có lãi suất rẻ được đổ vào thị trường. Ngoài ra còn có sự hạn chế về nguồn cung mới do hoạt động thanh tra, kiểm tra hàng loạt các dự án, thủ tục pháp lý, cấp phép dự án kéo dài cũng như chi phí xây dựng tăng.

Những nguyên nhân chủ quan như các nhà đầu tư tin tưởng giá đất tiếp tục tăng như các năm trước, có tâm lý e ngại đồng tiền sẽ mất giá do lạm phát tăng nên chuyển hướng đầu tư vào BĐS.

Sau thời gian thị trường bất động sản tăng giá mạnh trong năm 2021, sự chững lại của thị trường trong nửa đầu năm 2022 đang khiến nhiều người hoài nghi về khả năng xuất hiện “bong bóng” BĐS. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khả năng này rất khó xảy ra. Bởi ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn cao, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn.

Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác. Bên cạnh đó, thanh khoản bất động sản thời gian vừa rồi chậm lại do đã loại bỏ được một số lượng rất lớn các nhà đầu cơ ra khỏi thị trường. Hiện thị trường chỉ còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ đầu tư bất động sản dài hạn, vì vậy, họ không quan tâm đến các yếu tố ngắn hạn trên thị trường.

Theo dữ liệu của Batdongsan.com, giá BĐS trong quý I cũng tăng liên tục tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Riêng Hà Nội, giá căn hộ bán và cho thuê tăng trung bình 5 - 8% theo quý. Còn đất nền, đất thổ cư tăng trung bình 20 - 25% so với cùng kỳ. Tại TP HCM, mặt bằng giá bán căn hộ tăng gần 10% so với cùng kỳ; đất nền, đất thổ cư rao bán tăng 10 - 25%.

Mặc dù giá bất động sản không ngừng tăng ở nhiều địa phương, nhiều loại hình nhưng thanh khoản lại thấp. CBRE Việt Nam cho biết lượng căn hộ tiêu thụ trong quý đầu năm tại TP HCM chỉ đạt khoảng 1.247 căn, giảm 78% so với quý trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Thanh khoản và giá bất động sản được dự báo giảm trong những tháng cuối năm. Ảnh minh họa.

Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm có thể hạ nhiệt?

Theo dự báo thị trường 6 tháng cuối năm từ DKRA Vietnam, nguồn cung căn hộ mới tại TP HCM có thể sụt giảm, đạt khoảng 70% nguồn cung 6 tháng đầu năm 2022 (9.000 - 11.000 căn).

Khu vực Bình Dương duy trì ở mức khoảng 3.000 – 4.000 căn và Long An khoảng 300 căn. Ở các tỉnh thành khác khan hiếm nguồn cung mới. Sức cầu chung cũng như thanh khoản thị trường có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nếu động thái siết tín dụng bất động sản của các ngân hàng chưa có hướng tháo gỡ kịp thời.  Phân khúc căn hộ hạng A duy trì vị thế chủ đạo và dẫn dắt nguồn cung mới toàn thị trường. Dưới áp lực chi phí, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng giá bán sơ cấp có thể sẽ tăng trong khi giá bán thứ cấp không có nhiều biến động.

Cũng theo đơn vị này, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền không có nhiều đột biến và tiếp tục duy trì ổn định như giai đoạn đầu năm. Nguồn cung tập trung tại các dự án đã mở bán trước đó và phân bố ở thị trường giáp ranh TP HCM như Đồng Nai, Long An và Bình Dương. Mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định trong giai đoạn cuối năm.

Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố biệt thự có thể tăng nhẹ so với đầu năm, dự báo khoảng 4.000 – 5.000 căn, Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với khoảng 1.500 căn, theo sau là Long An và Bình Dương dao động khoảng 1.000 căn. TP HCM dao động khoảng 600 căn, chủ yếu tập trung ở khu Đông. Mặt bằng giá sơ cấp sẽ tiếp tục xu hướng tăng do áp lực về chi phí đầu vào và lạm phát.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel dự báo tăng so với 6 tháng đầu năm, cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 – 2.500 căn, tập trung phần lớn tại Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình. Trong khi đó, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố shophouse nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm duy trì ở mức ổn định, tương đương với những tháng đầu năm.

Sức cầu chung thị trường có thể tăng nhẹ, giao dịch tập trung chủ yếu ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín. Những dự án nằm trong khu nghỉ dưỡng phức hợp, đầy đủ tiện nghi và có vị trí tốt tiếp tục nhận được sự quan tâm của khách hàng.

 

Thanh khoản và giá bất động sản có thể giảm cục bộ trong nửa cuối năm

Chia sẻ tại buổi báo cáo thị trường của DKRA Việt Nam, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định trong 6 tháng cuối năm, thanh khoản và giá bất động sản (BĐS) có thể đều giảm. Trong đó, thị trường sẽ giảm thanh khoản, giảm mạnh ở những khu vực chưa thể khai thác kinh doanh hay các BĐS giá trị lớn. Giá BĐS sẽ giảm ở những khu vực quá "sung" nhưng đầu tư hạ tầng, khai thác kinh doanh không đạt kỳ vọng. Đất nền nhiều khu vực xa TP HCM sẽ giảm giá.

Cũng theo ông Hiển, các khó khăn tác động tới thị trường như Nhà nước kiểm soát vốn vào BĐS, giá BĐS đã tăng cao ở nhiều phân khúc và địa phương; lãi suất cho vay tăng. Đặc biệt, các nhà đầu tư đang "kẹt vốn", giảm niềm tin về "giá BĐS tiếp tục tăng".

Chuyên gia này còn nhận định BĐS phân lô vùng xa khu vực nông nghiệp giảm thanh khoản mạnh, xuất hiện cắt lỗ 10 - 30%; phong trào đầu tư homestay thoái trào...