Thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn nếu có Quỹ Nhà ở Quốc gia

Hoàng Huy 07:52 | 01/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chuyên gia, mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia không những có thể đóng vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề an cư, giải quyết nhu cầu nhà ở và ổn định cuộc sống cho người lao động thu nhập trung bình thấp, mà còn thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn.

Tại hội nghị trực tuyến chiều 6/3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thành lập Quỹ nhà ở Quốc gia. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc được giao chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thành trong tháng 3.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills Hà Nội, việc nghiên cứu và triển khai mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình.

"Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, giá bất động sản không ngừng tăng cao, trong khi thu nhập trung bình của người dân tại các thành phố vẫn còn thấp, nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn.

Do đó, Quỹ Nhà ở Quốc gia có thể là giải pháp tạo điều kiện để người dân tiếp cận nhà ở thương mại giá rẻ và NOXH, gia tăng khả năng tiếp sở hữu nhà của người lao động.

Thêm vào đó, nguồn cung nhà ở giá rẻ sẽ được duy trì ổn định, đảm bảo cân bằng về nguồn cung, từ đó tạo ra sự cân bằng cung - cầu cho thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn".

Ảnh minh họa: Hoàng Huy.

Cũng theo bà Hằng, nếu Quỹ Nhà ở Quốc gia được thông qua và triển khai, cần xác định mục tiêu rõ ràng, đa dạng hóa nguồn vốn và tăng cường quản lý minh bạch. Quỹ cần tập trung hỗ trợ tài chính cho người dân có nhu cầu mua hoặc thuê nhà với mức giá phù hợp.

Trên thực tế, nhiều người lao động có thu nhập trung bình thấp không đáp ứng đủ điều kiện để mua NOXH nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để sở hữu nhà ở thương mại, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Kinh nghiệm từ các quốc gia như Singapore và Trung Quốc cho thấy, Quỹ Nhà ở Quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền có nhà ở cho người lao động. Do đó, cần có cơ chế đánh giá mức độ đóng góp và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng để đảm bảo tính công bằng và đúng mục tiêu.

Bên cạnh nguồn đóng góp từ người lao động, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, để Quỹ Nhà ở Quốc gia hoạt động bền vững, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản. Đổi lại, nhà nước có thể áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính... nhằm thu hút đầu tư vào phân khúc NOXH.

Ngoài ra, để Quỹ Nhà ở Quốc gia vận hành hiệu quả, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và minh bạch nhằm tránh thất thoát, tham nhũng và đảm bảo sử dụng đúng mục đích.

Một số giải pháp có thể áp dụng bao gồm: ban hành quy định cụ thể về cách thức huy động, quản lý và phân bổ quỹ; quy định tiêu chuẩn nhà ở nhằm tránh tình trạng xây dựng kém chất lượng; đặt ra các điều kiện ràng buộc để ngăn chặn đầu cơ, sử dụng sai mục đích; xây dựng cổng thông tin điện tử công khai về các khoản thu - chi, danh sách thụ hưởng, tiến độ dự án; và thiết lập cơ chế giám sát độc lập, cho phép người dân cũng như các tổ chức xã hội theo dõi hoạt động của quỹ.