Thị trường bất động sản tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội

Đông Bắc 18:40 | 21/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường BĐS thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế...

 

Sáng nay (21/4), Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 song những vấn đề nội tại của nền kinh tế đang bộc lộ rõ nét.

Một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế hiện nay là thị trường bất động sản đang có nhiều biến động, gây rủi ro chéo với thị trường tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Do vai trò, vị trí của ngành bất động sản vô cùng quan trọng nên sự biến động của thị trường đã có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.

Từ thực trạng này, hội thảo đưa ra những góc nhìn khác nhau của thị trường bất động sản nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Đồng thời tập trung thảo luận để nhận diện các nút thắt và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

 Các chuyên gia tham gia trao đổi tại hội thảo. Ảnh KTQD.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, kết quả quý I/2023 vừa qua đã cho thấy những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam ngày càng hiện hữu, thể hiện ở mấy điểm chính như: GDP chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ 2022; các đầu tàu kinh tế lớn của cả nước đều sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng; ngành công nghiệp nói chung và ngành chế biến chế tạo nói riêng luôn là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế đã đánh mất động lực tăng trưởng… “Mục tiêu năm 2023 với tăng trưởng đạt 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5% nếu không thực sự quyết liệt và khôn khéo, chủ động và linh hoạt trong điều hành, sẽ là thách thức rất lớn” - ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Trong đó, một điểm nghẽn cần đột phá trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là thị trường bất động sản. Nếu giải quyết tốt được thị trường bất động sản, sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường tiền tệ - vốn, phát triển các ngành công nghiệp liên quan như xi măng, thép, đồng thời giải quyết được số lượng lớn việc làm.

Số liệu cho thấy, trong quý I năm 2023, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS thành lập mới giảm mạnh (quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022), bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2023, theo khảo sát thì có thêm khoảng 30% - 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước, đồng thời ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Áp lực thanh khoản trên thị trường BĐS vẫn là rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam 2023.

Ngoài ra, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay, tại rất nhiều địa phương, nhất là TP HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tồn đọng một số lượng lớn các dự án BĐS cần cơ chế đặc thù để xử lý sau kết luận thanh tra, kiểm tra và các bản án; nếu xử lý được sẽ có một nguồn lực rất lớn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2023.

 TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ảnh KTQD.

Trình bày tại Hội thảo, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng chủ biên Báo cáo cho biết: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 đặt ra, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản.

Thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân và gây ra nhiều hệ lụy xã hội.

Do đó, ổn định và phát triển thị trường bất động sản là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác điều hành chính sách trong năm 2023.

 

  GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh KTQD.

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ đồng bộ

Trình bày đánh giá tổng quan về thị trường BĐS năm 2022, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nêu ra một số tồn tại chính của thị trường. Một trong đó là quy định chồng chéo giữa các luật và vướng mắc pháp lý ảnh hưởng đến thị trường BĐS cơ bản vẫn chưa được tháo gỡ và giải quyết. Điều này đã làm cho nguồn cung trên thị trường không đảm bảo, nhiều địa phương không có căn cứ pháp lý để thực hiện, triển khai các dự án đầu tư, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, hoặc nguồn cung không đảm bảo tính pháp lý gây rủi ro cho cả thị trường, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là những khó khăn về dòng vốn, tín dụng…, đã ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường BĐS, đại bộ phận các chủ thể tham gia thị trường đều chờ đợi, nghe ngóng các phản ứng chính sách và diễn biến thị trường.

Trong phần đề xuất giải pháp cho thị trường, GS.TS Hoàng Văn Cường kiến nghị kết thúc sớm việc thanh tra/xử lý với các dự án bị tạm dừng, để tiếp tục triển khai đưa sản phẩm ra thị trường, bởi thực tế hiện nay rất nhiều dự án đang bị dừng vì thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, chúng ta cần tập trung giải quyết nhiều vướng mắc pháp lý, từ trung ương đến địa phương, với việc thành lập các ban xử lý ngay các vướng mắc này. Đặc biệt, phải loại bỏ cách trả lời hướng dẫn chung chung “làm theo quy định pháp luật”, khi mà quy định pháp luật không rõ ràng; thay vào đó, phải chỉ ra cách giải quyết thuận lợi nhất để địa phương áp dụng.

Về tài chính, GS.TS Hoàng Văn Cường đề nghị có giải pháp kiểm soát việc cho vay đầu cơ BĐS, cho phép chuyển trái phiếu doanh nghiệp thành trái phiếu chuyển đổi sản phẩm. Đối với những dự án quan trọng, Chính phủ xem xét mua lại trái phiếu để tránh các dự án này rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, liên quan đến thị trường vốn cho bất động sản, GS.TS Tô Trung Thành cho rằng cần mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại BĐS khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án BĐS, nhà ở cao cấp.

Đối với nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia Trường Kinh tế Quốc dân khuyến nghị sớm rà soát tình trạng tài chính (bao gồm: tài sản, nợ, dòng tiền) của các công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn; căn cứ vào kết quả rà soát này để khoanh vùng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu (chủ yếu là các nhà phát triển BĐS) có thể hỗ trợ; tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp khối lượng lớn.