Thị trường tiếp đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm, vẫn cần thêm trợ lực để các hãng bay 'cất cánh'
Thị trường tiếp đà phục hồi, hãng bay vẫn 'rất khó khăn'
Ngày 11/7, Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo về thị trường vận chuyển hàng không 6 tháng đầu năm. Theo đó, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng thị trường hành khách ước đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, số khách quốc tế tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 14,7 triệu khách, bằng 73,5% so với cùng kỳ năm 2019. Số khách nội địa giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 là 3,4%, đạt mức 20 triệu khách, nhưng con số này tăng 8,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Cục cho biết, trong giai đoạn này, hoạt động vận tải hàng không về cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách. Thị trường nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng so cùng kỳ 2019 trong khi thị trường quốc tế đang dần hồi phục, ở mức xấp xỉ 74% so cùng kỳ 2019 (trước dịch COVID-19).
Hiện, các hãng Hàng không Việt Nam đang khai thác 66 đường bay kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với trên 650 chuyến bay mỗi ngày.
Ngoài việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới, như Bamboo Airways mở mới đường bay Hà Nội - Cà Mau, VietJet Air mở mới đường bay Cần Thơ - Vân Đồn,...
Về vận chuyển hàng không quốc tế, Cục nhận định thị trường đang phục hồi với sự tham gia khai thác trở lại của nhiều hãng hàng không quốc tế tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó các tháng 5, 6 đã đạt được gần 80% so cùng kỳ 2019.
Hiện nay, có 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ. Một số thị trường có sự tăng trưởng cao so với trước dịch, như Úc, Thái Lan, Indonesia (tăng 10-30% so với năm 2019), thị trường Nhật Bản đã đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2019, đặc biệt thị trường Ấn Độ (thị trường mới) có sự phát triển rất nhanh.
Về triển vọng nửa cuối 2023, Cục hàng không Việt Nam đưa ra dự báo, trong các tháng cuối năm, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ hồi phục sẽ nhanh hơn các tháng đầu năm 2023.
Đồng thời, các hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Bamboo Airways, VietJet Air) đã mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan. Đặc biệt, các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch.
Đối với thị trường hàng không trong nước, triển vọng 6 tháng cuối năm, hàng không nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm 2019, tuy nhiên mức độ tăng trưởng sẽ giảm dần vào các tháng cuối năm.
Cục cũng dự báo trong dịp cao điểm hè năm 2023 (từ 1/6 - 2/9), thị trường hàng không nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức tăng 7 - 10% so cùng kỳ 2019 cùng sản lượng từ 3,5 - 3,7 triệu khách/tháng (các tháng 6, 8) đến 4,2 - 4,5 triệu khách vào tháng 7.
Mặc dù thị trường tiếp tục đà phục hồi, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 diễn ra ngày 10/7 vừa qua rằng các hãng hàng không hiện vẫn rất khó khăn.
Cụ thể, theo ông Hòa, thị trường khách quốc tế chỉ mới hồi phục 60%, thị trường khách Trung Quốc chỉ đạt 9% so với trước đại dịch. Bản thân Vietnam Airlines dù đã dần phục hồi hoạt động nhưng 6 tháng cuối năm vẫn rất thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu tăng, xung đột Nga - Ukraine,...
“Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không rất khó khăn. Theo tôi được biết, một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản” - Chủ tịch Vietnam Airlines chia sẻ.
Cần thêm nhiều giải pháp thúc đẩy phục hồi
Cũng tại hội nghị, ông Hòa cho rằng tình trạng tắc nghẽn tại sân bay đang gây ra tốn kém rất lớn, cần quản lý chặt chẽ slot bay (giờ cất, hạ cánh), thu hồi slot của các hãng không khai thác không hiệu quả, đồng thời có chính sách cấp slot đường bay quốc tế “có đi có lại” giữa các quốc gia.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, đối với các ý kiến khó khăn trong việc xin cấp slot tại nước ngoài của các hãng hàng không, đề nghị các hãng chủ động phối hợp với Vụ Vận tải, Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo cụ thể để giải quyết theo hướng có đi có lại. Bộ GTVT sẽ có văn bản hoặc lập đoàn công tác đàm phán, trao đổi trực tiếp với các nước về việc cấp slot các đường bay.
Trong nỗ lực 'gỡ khó' cho các hãng bay, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chủ động trao đổi với các nhà chức trách hàng không liên quan đến việc khôi phục các đường bay quốc tế, mở rộng khai thác đến các thị trường quốc tế mới, đặc biệt là việc khôi phục lại thị trường Trung Quốc.
Còn theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, so với thời kì dịch COVID-19, hiện nay thị trường hàng không đã khôi phục với 143 đường bay kết nối tới 29 quốc gia vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tần suất bay vẫn chưa phục hồi như thời trước đại dịch. Để khôi phục thị trường, theo ông Đinh Việt Thắng, bản thân các hãng hàng không cần theo dõi sát thị trường, quan sát tín hiệu phục hồi qua đó có các giải pháp kịp thời như bổ sung máy bay góp phần phát triển bền vững.