Thị trường Trung Quốc chưa hồi phục mạnh như dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay có thể giảm 30%
Nhiều yếu tố khiến xuất khẩu cá tra giảm tốc trong 7 tháng đầu năm
Là một trong 3 mặt hàng thuỷ sản chủ lực, cá tra của Việt Nam đã ghi được những dấu ấn nhất định trên trường quốc tế. Nhìn lại năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2022 xác lập nhiều "kỷ lục", như kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 70% so cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Tuy nhiên, bước sang những tháng đầu năm 2023, khó khăn đã bao trùm lên toàn ngành thuỷ sản trong bối cảnh cầu tiêu dùng tại các thị trường chính đi xuống; và cá tra cũng không phải ngoại lệ dù cho đây được coi là mặt hàng bình dân, có giá phù hợp với tầng lớp thu nhập thấp.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), diện tích nuôi cá tra tính đến hết tháng 7/2023 đạt 3.370 ha, tương đương cùng kỳ 2022. Sản lượng ghi nhận 922.000 tấn, tăng nhẹ 2,3% và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 37%, chủ yếu do giá giảm mạnh.
Kim ngạch nhập khẩu của các thị trường chính đều giảm 2 chữ số, trong đó Mỹ giảm mạnh nhất với 59%, Trung Quốc giảm 32% và EU giảm 22%.
Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế Ngành Cá tra, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, có những yếu tố tăng, giảm nhưng nhìn chung đều gây bất lợi cho ngành cá tra xuất khẩu năm 2023. “Bối cảnh chung của thế giới suy giảm khiến nhu cầu sử dụng cá tra cũng như nhiều mặt hàng thuỷ sản khác đều sụt giảm, đặc biệt là những thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc - top 3 thị trường tiêu thụ cá tra chính của Việt Nam. Đặc biệt là các thị trường có mức lạm phát cao thì nhu cầu tiêu thụ cũng bị sụt giảm đáng kể.
Về câu chuyện hàng tồn kho, nửa đầu năm 2022, giai đoạn sau Covid 19, kinh tế các nước bắt đầu hồi phục, các nhà nhập khẩu ồ ạt nhập khẩu với kỳ vọng tăng doanh số bán cho nửa cuối năm 2022. Nhưng tình hình hồi phục không như dự đoán, dẫn tới lượng hàng tồn kho lớn, kéo dài sang nửa đầu năm 2023. Cộng thêm những khó khăn của nền kinh tế là hệ luỵ dẫn tới giá nhập khẩu giảm” - bà Hằng lý giải.
Ngoài ra, giá nhập khẩu cũng bị áp lực cạnh tranh với chính hàng tồn kho. Theo đó, những nhà nhập khẩu, người kinh doanh tại các thị trường phải giải phóng hàng tồn kho, khiến hàng mới nhập sang cũng bị cạnh tranh về giá.
Diễn biến không như dự báo tại thị trường Trung Quốc góp phần vào thách thức chung
Nhận định về Trung Quốc, thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, bà Lê Hằng đánh giá: Đây là thị trường ngành thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng rất kỳ vọng, sau khi quốc gia này mở cửa từ tháng 1, hy vọng mọi thứ sẽ tăng nhưng thực tế lại không như dự đoán. Do sau Covid kéo dài, Trung Quốc gặp kinh tế khó khăn, thất nghiệp khiến thu nhập sụt giảm, dẫn đến sự thích nghi của người tiêu dùng chưa thể tăng trở lại.
Tuy nhiên, mức độ sụt giảm đang chậm lại, đây cũng là tín hiệu để kỳ vọng những tháng cuối năm, khi nền kinh tế nước này khả quan dần lên, người tiêu dùng thích nghi được bối cảnh mới, khi đó nhu cầu tăng dần trở lại.
Giá trung bình của cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8%-14% trong 7 tháng đầu năm, giao động 1,9-2,35 USD/kg.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm có thể giảm 30%
Từ những diễn biến của thị trường 7 tháng đầu năm, VASEP đã đưa ra 4 dự báo cho năm 2023. Theo đó, đơn vị này nhận định việc thanh tra PSIS sẽ khiến chế biến và xuất khẩu cá tra trong quý III chững lại. Đồng thời kỳ vọng nhu cầu thị trường Trung Quốc hồi phục những tháng cuối năm. Tuy nhiên, giá cá tra sẽ tiếp tục giảm, khiến doanh nghiệp và người nuôi lỗ, sản lượng có thể giảm. Dù vậy, dưới góc nhìn lạc quan, VASEP vẫn cho rằng giá xuất khẩu nửa cuối năm có thể cao hơn so với nửa đầu năm.
Do đó, xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm khoảng 30% so với năm 2022.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Ong Hàng Văn cho rằng các doanh nghiệp cần cố gắng vượt qua 5 tháng còn lại của năm 2023 trước khi bước vào giai đoạn ổn định hơn năm 2024.
Giải pháp cần thiết hiện tại là giảm tồn kho và giảm sản lượng nuôi trồng, đánh bắt vào quý II/2024. Do nhu cầu xuất khẩu hiện vẫn giảm sút nên cá dưới ao vượt quá trọng lượng tiêu chuẩn là 900 gram - 1 kg lên 1,5 kg. Điều này khiến lượng tồn kho thời gian tới sẽ càng tăng thêm, kéo theo dòng tiền của doanh nghiệp tắc nghẽn.
Ngoài ra, lãi suất cao, hao hụt tự nhiên trong kho cũng cao khiến giá thành nuôi cá tra càng lúc càng cao.
"Đến lúc này các doanh nghiệp ngành cá tra nên ngồi lại với nhau để cân đối lại mùa vụ cho năm sau, có thể thu hoạch vào quý II/2024. Mỗi doanh nghiệp có một biện pháp riêng nhưng tổng thể là giảm mật độ nuôi, tránh dịch bệnh, tăng trọng lượng nhanh và hệ số chuyển đổi thức ăn cho 1 kg cá (FCR) thấp, giúp giá thành nuôi cá tra thấp", ông Văn nói.
Dù cá tra là mặt hàng ‘rẻ’, nhưng Trung Quốc đã không còn dễ tính
Nhận định về thị trường Trung Quốc, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Trường Giang thông tin, gần đây Trung Quốc có thói quen “bắt chước” thị trường Mỹ và EU. “Mình bán qua Trung Quốc, họ hỏi mình rằng đã có chứng nhận gì của Mỹ, EU thì mới được bán sang. Ví dụ như muốn sang Mỹ thì cần có đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà máy, vùng nuôi, thức ăn, con giống. Nếu mình cung cấp được 4 chứng nhận đó thì Trung Quốc sẽ in lên bao bì và bán được giá cao và dĩ nhiên cũng sẽ trả cho mình con số tương ứng.
“Do đó, làm chất lượng kém, độ ẩm vượt 86% như trước kia thì Trung Quốc sẽ không chấp nhận. Thực tế hiện nay, hàng chất lượng kém rất khó để bán sang thị trường này. Ngay trong thời điểm khó khăn thì họ lại càng đòi chất lượng cao hơn, tuy không bằng Mỹ hay EU nhưng cũng phải đạt mức để họ chấp nhận được. Do đó, nếu chúng ta muốn bán được sản phẩm có giá rẻ như cá tra sang những khu vực lớn của Trung Quốc thì chất lượng càng phải được nâng cao. Còn những hàng đi tiểu ngạch đi biên giới thì tới đây sẽ dần dần không thể bán được”, ông Văn nhận định.