Thỏa thuận thương mại hậu Brexit: Một kết cục có hậu

15:44 | 28/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Anh và Liên minh châu Âu (EU) hôm 24-12 đã đạt được thỏa thuận thương mại tự do nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn trong năm mới cho thương mại xuyên biên giới và mang lại một biện pháp chắc chắn cho các doanh nghiệp.

Kết cục có hậu

 
Một tuần trước thời hạn cuối cùng Anh tách khỏi EU, hôm 24-12, hai bên đã ký thỏa thuận tự do thương mại tự do. Sau khi được phê chuẩn, thỏa thuận dài 500 trang này sẽ đảm bảo Anh và khối 27 quốc gia thành viên EU có thể tiếp tục buôn bán hàng hóa mà không có thuế quan hoặc hạn ngạch cho dù Anh chính thức rời EU từ 1-1-2021. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà rất vui với thỏa thuận này.

“Đó là một con đường dài và quanh co nhưng chúng tôi có một hợp đồng tốt. Đó là một thỏa thuận cân bằng, đúng đắn và có trách nhiệm”, bà Ursula von der Leyen nói với các nhà báo.
 
Còn theo tờ BBC, người dân EU và Anh có thể thở phào sau 9 tháng đàm phán căng thẳng và thường xuyên gay go lãnh đạo hai bên. Bước đột phá vào đêm Giáng sinh cũng được chào đón gấp đôi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến khoảng 70.000 người ở Anh thiệt mạng và các nước láng giềng của nước này phải đóng cửa biên giới với Anh vì một biến thể virus mới và có vẻ dễ lây lan hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, theo các điều khoản của thỏa thuận mới, Anh sẽ vẫn là một quốc gia thân thiết với châu Âu.
 
Thỏa thuận thương mại hậu Brexit: Một kết cục có hậu
Thủ tướng Anh Boris Johnson đăng bức ảnh cười tươi sau khi Anh và EU đạt thỏa thuận thương mại. Ảnh: Twitter

 

Thu hẹp khoảng cách

 
Theo phân tích từ hãng BBC, nhiều tháng đàm phán căng thẳng và thường xuyên gay go giữa Anh và EU đã dần khắc phục sự khác biệt giữa hai bên xuống ba vấn đề chính: quy tắc cạnh tranh bình đẳng, cơ chế giải quyết tranh chấp trong tương lai và quyền đánh bắt cá. Quyền của các tàu thuyền EU đánh lưới trong vùng biển của Anh vẫn là trở ngại cuối cùng trước khi nó được giải quyết.
 
Thủ tướng Boris Johnson từng khẳng định Anh sẽ “thịnh vượng mạnh mẽ” ngay cả khi không đạt được thỏa thuận nào và Anh phải thương mại với EU theo các điều kiện của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng, chính phủ của ông cuối cùng phải thừa nhận rằng lối ra hỗn loạn có thể gây ra bế tắc tại các cảng của Anh, thiếu hụt tạm thời một số hàng hóa và tăng giá đối với các loại thực phẩm chủ yếu.
 
Ngược lại, EU từ lâu lo sợ rằng Anh sẽ cắt giảm các quy tắc viện trợ xã hội, môi trường và viện trợ nhà nước của khối sau Brexit, trở thành một đối thủ có quy định thấp trước ngưỡng cửa của khối. Anh phủ nhận kế hoạch đưa ra các tiêu chuẩn yếu hơn nhưng nói rằng việc tiếp tục tuân theo các quy định của EU sẽ làm suy yếu chủ quyền của nước này... Cuối cùng, một thỏa hiệp đã đạt được về các vấn đề phức tạp nhằm tạo ra “sân chơi bình đẳng”.
 
Vấn đề nhỏ về kinh tế nhưng mang tính biểu tượng cao là điểm mấu chốt cuối cùng, khi các quốc gia hàng hải của EU đang tìm cách duy trì quyền tiếp cận các vùng biển của Anh, nơi họ đã đánh bắt từ lâu và Anh khẳng định nước này phải thực hiện quyền kiểm soát như một “quốc gia ven biển độc lập”. Rồi khoảng cách lớn về đánh bắt cá dần được thu hẹp trong nhiều tuần đàm phán căng thẳng ở Brussels (Bỉ).
 
Theo đó, EU sẽ từ bỏ 1/4 hạn ngạch mà họ đánh bắt trong vùng biển của Anh, ít hơn nhiều so với mức 80% mà Anh yêu cầu ban đầu. Hệ thống sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong vòng 5 năm rưỡi, sau đó các hạn ngạch sẽ được đánh giá lại.

Những lo ngại mới

 
Dù các bên đều rất vui mừng trước việc Anh và EU đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bất chấp bước đột phá này, các khía cạnh chính của mối quan hệ trong tương lai giữa khối 27 quốc gia và thành viên cũ của nó vẫn chưa chắc chắn. Cụ thể, Quốc hội Anh và châu Âu đều phải bỏ phiếu về thỏa thuận này. Và Pháp từ lâu được coi là trở ngại khó khăn nhất của Anh đối với một thỏa thuận.
 
“Sự thống nhất và vững chắc của châu Âu đã được đền đáp”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một tuyên bố. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng sự thống nhất bây giờ có thể sẽ dẫn đến việc tất cả các quốc gia EU ủng hộ thỏa thuận: “Tôi rất lạc quan rằng chúng ta có thể đưa ra một kết quả tốt ở đây”.
 
Thỏa thuận thương mại hậu Brexit: Một kết cục có hậu
Hàng ngàn xe tải bị kẹt gần cảng Dover hôm 24-12 vì chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 để vào đường hầm Eurotunnel đến Pháp. Ảnh: EPA
 
Đã 4 năm rưỡi kể từ khi người Anh bỏ phiếu để rời EU theo lời khẩu hiệu chiến dịch của những người theo chủ nghĩa Brexiteers là để “giành lại quyền kiểm soát” biên giới và luật pháp của Anh. Phải mất hơn 3 năm tranh cãi trước khi Anh rời khỏi các cơ cấu chính trị của EU vào tháng 1-2019. Sự bất đồng nền kinh tế của hai bên và điều hòa mong muốn độc lập của Anh với mục tiêu duy trì sự thống nhất của EU khiến các cuộc đàm phán kéo dài thêm nhiều tháng. Anh vẫn là một phần của thị trường duy nhất và liên minh thuế quan của EU trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kéo dài 11 tháng. Do đó, nhiều người cho đến nay ít nhận thấy tác động từ Brexit.
 
Nhưng, một khi ngày 1-1-2021 tới và cuộc chia tay chính thức bắt đầu, ngay cả khi có một thỏa thuận thương mại, hàng hóa và con người vẫn sẽ không còn có thể di chuyển tự do giữa Anh và các nước láng giềng lục địa mà không có các giới hạn biên giới. Công dân EU cũng sẽ không còn có thể sống và làm việc ở Anh mà không có thị thực - mặc dù điều đó không áp dụng cho 4 triệu người đã làm như vậy. Người Anh không còn có thể tự động làm việc hoặc nghỉ hưu ở các quốc gia EU. Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu phải đối mặt với việc khai báo hải quan, kiểm tra hàng hóa và các trở ngại khác.
 
Các nhà sản xuất và thương nhân Anh hoan nghênh sự chắc chắn của thỏa thuận này. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết các bộ phận khác của nền kinh tế - đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ khổng lồ của Anh sẽ bị bỏ lại trong giá lạnh. David Henig, một chuyên gia thương mại tại Trung tâm kinh tế chính trị quốc tế châu Âu, bình luận, ngày 1-1-2021 đánh dấu “sự kết thúc của thương mại liền mạch giữa Anh và EU. Và sự khác biệt mà một thỏa thuận thương mại tạo ra sẽ không rõ ràng đối với hầu hết mọi người. Sẽ có những rào cản mới mà mọi người nhận thấy nhiều hơn nữa”.
 
Trên thực tế, biên giới Anh-EU đã quay cuồng với những hạn chế mới được áp dụng đối với khách du lịch từ Anh vào Pháp và các quốc gia châu Âu khác do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 quét qua London và miền Nam nước Anh. Hàng ngàn xe tải đã bị kẹt gần cảng Dover hôm 24-12 để chờ tài xế có kết quả âm tích với COVID-19 thì mới được phép vào đường hầm Eurotunnel đến Pháp.
 
Các siêu thị ở Anh cho biết lượng hàng tồn đọng sẽ mất nhiều ngày để giải quyết và có thể xảy ra tình trạng thiếu một số sản phẩm tươi sống trong mùa lễ.

Theo ANTG