Tổng thư ký OECD: 'Cách tốt nhất để bình ổn giá dầu là tăng nguồn cung'

18:04 | 15/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của ông Mathias Corman, Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC).

Chia sẻ với CNBC từ hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Bali (Indonesia), Tổng thư ký OEDC Mathias Cormann nói rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine đã đặt ra một thách thức to lớn với thế giới.

“Xung đột dẫn đến tăng trưởng chậm hơn, lạm phát cao hơn, giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt đe dọa an ninh lương thực thế giới. Thế giới sẽ ổn định hơn nếu Tổng thống nga Vladimir Putin dừng chiến dịch quân sự này”, ông Cormann nhấn mạnh. 

Nói về giải pháp để giải quyết khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết mức giới hạn đối với giá dầu của Nga sẽ rất quan trọng giúp giảm lạm phát trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Bà Yellen kêu gọi cần phải nỗ lực để kiềm chế hai tác động kinh tế chủ chốt từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine là giá nhiên liệu cao và tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng đang càn quét khắp nước Mỹ và toàn cầu. 

Bà Yellen nói: “Chúng ta đang thấy những tác động tiêu cực lan tỏa từ xung đột Nga - Ukraine ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt đối với giá năng lượng và tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng", bà đề xuất, "Giới hạn giá dầu của Nga là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của chúng tôi để giải quyết nỗi đau mà người Mỹ và các gia đình trên toàn thế giới đang hứng chịu tại các cửa hàng bơm xăng và cửa hàng tạp hóa ngay bây giờ".

Đáp lại đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Cormann nói rằng các ngoại trưởng G-20 sẽ thảo luận về việc áp đặt trần giá.

Ông Cormann cho biết: “Bất kỳ biện pháp tăng nguồn cung nào cũng sẽ giúp làm giảm giá dầu". Ông chỉ ra có những lựa chọn khả dụng cho thế giới trong bối cảnh nền kinh tế thị trường toàn cầu mở, chẳng hạn như việc tăng sản xuất từ các nguồn khác để bù đắp cho sản lượng bị thiếu hụt nhằm giúp đảm bảo giá cả ổn định ở mức độ phù hợp.

Ông nhấn mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây áp lực rất lớn lên thế giới và giá dầu tăng chỉ là một biểu hiện trong những gánh nặng chi phí. “Điều thực sự quan trọng là phần còn lại của thế giới phải đồng lòng với nhau và làm việc cùng nhau để giảm bớt một số tác động đó,” Tổng Thư ký OECD kêu gọi. 

Xung đột Nga - Ukraine đã châm ngòi cho biến động của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong gần nửa đầu năm 2022, đẩy giá dầu có thời điểm tiến đến gần 130 USD/ thùng. 

Nga là quốc gia có sản lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nga chiếm 14% tổng nguồn cung dầu toàn cầu năm 2021. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, gián đoạn vận chuyển và các lệnh cấm vận đã bóp nghẹt nguồn cung dầu Nga ra các thị trường. Chỉ riêng trong tháng 4, sản lượng dầu của Nga giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Dự kiến trong nửa cuối năm 2022, sản lượng dầu của Nga có thể giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày. Các động thái trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga đã loại một lượng lớn dầu từ nước này ra khỏi thị trường dầu mỏ thế giới, trong khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu phục hồi nhanh chóng khi các nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, khiến nguồn cung không thể bắt kịp nhu cầu.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng các lệnh cấm tiếp theo có thể đẩy giá dầu lên tới 175 USD/thùng.