TPBank chốt quyền trả cổ tức tiền mặt vào ngày 21/2
TPBank đã có nghị quyết về việc phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức là 21/2/2023. Ngày thanh toán là 3/3.
Trước đó, TPBank đã công bố kết quả lấy kiến cổ đông bằng văn bản về phương án trên với tỷ lệ tán thành đạt 77,69%. Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 25%, tức một cổ phiếu nhận được 2.500 đồng.
Nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 của TPBank đã kiểm toán. Theo tài liệu đã công bố, lợi nhuận còn lại và các quỹ thặng dư lũy kế đến hết năm 2022 của TPBank đạt hơn 13.364 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.486 tỷ đồng.
Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính TPBank sẽ phải chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Về tình hình kinh doanh, TPBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 7.828 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, song không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 8.200 tỷ đồng.
Theo TPBank, mức lợi nhuận trên đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi của khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.387 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các khoản thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng tăng mạnh 18,4% lên hơn 4.200 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ hoạt động dịch vụ với 2.692 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ).
Cùng với đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác tăng lần lượt 10% và 186% so với năm 2021. Trong khi đó, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 70%.
Cả năm 2022, chi phí dự phòng của TPBank giảm 37% xuống còn 1.884 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm đến 80% từ 560 tỷ xuống còn 115 tỷ.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 328.600 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 14% lên gần 161.000 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng 3,8%. Tiền gửi khách hàng tăng mạnh 40% lên gần 195.000 tỷ.