Trái phiếu bất động sản tăng trở lại

Đông Bắc 10:27 | 09/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản huy động hơn 73.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, tăng hơn 40% so với năm 2022, đứng thứ nhì thị trường.

Số liệu vừa được Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố, tổng giá trị phát hành  trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 được ghi nhận khoảng 311.240 tỷ đồng, phần lớn là phát hành riêng lẻ. Ngân hàng là nhóm phát hành nhiều nhất với hơn 176.006 tỷ đồng, theo sau là nhóm bất động sản với hơn 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5%).

Lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023 đã tăng 40,8%. Con số này còn thấp so với hai năm cao điểm 2020-2021. Thời điểm năm 2020-2021 là lúc thị trường địa ốc đang "sốt", nhưng vẫn cao hơn khoảng 20% so với giai đoạn trước dịch (năm 2019).

Phát hành trái phiếu bất động sản tăng trở lại. Ảnh BTC.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023, nhờ quy định lùi thời điểm xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp mà hàng loạt doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu để huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Ở lĩnh vực bất động sản, Công ty TNHH Capitaland Tower đã phát hành và huy động trái phiếu tổng cộng 4 đợt với giá trị hơn 12.200 tỷ đồng. Nếu chỉ xét giá trị phát hành theo lô, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living là doanh nghiệp huy động vốn nhiều nhất với lô trái phiếu trị giá 4.800 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 5/1, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết năm 2023, các doanh nghiệp đã bố trí thanh toán trái phiếu trước hạn với giá trị 238.000 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm liền trước.

Với mức tăng gần 5% kể trên, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn năm 2023 cũng đã đạt kỷ lục từ khi thị trường này đi vào vận hành.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, một trong những điểm tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là việc khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện, Nghị định 08/2023 quy định về việc ngưng hiệu lực một số điều, quy định của Nghị định 65/2022 cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để xử lý trái phiếu đến hạn, đảm bảo nguyên tác lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Với các số liệu tích cực trong năm 2023, lãnh đạo Bộ Tài chính kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ giữ được tăng trưởng bền vững, thực chất và chất lượng thị trường được nâng lên.

Riêng về lĩnh vực bất động sản, FiinRatings dự báo nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp tục phát hành thành công trong năm nay khi mà các giải pháp hiện nay của Chính phủ được triển khai mạnh và rộng hơn, nhất là đối với vấn đề pháp lý dự án.

Đồng thời, nhiều  doanh nghiệp bất động cũng đã chủ động hơn trong minh bạch thông tin đến với thị trường và thực hiện tốt hơn quy định hiện nay.

Các chuyên gia tại FiinRatings cho rằng khi minh bạch thông tin được cải thiện thì vấn đề còn lại là rủi ro sẽ được phản ánh vào lãi suất. Trong bối cảnh hiện nay, dù lãi suất huy động giảm mạnh và lãi suất tín dụng có giảm nhẹ nhưng việc các doanh nghiệp bất động sản phải huy động trái phiếu với mức lãi suất cao hơn cũng là sự vận động hợp lý của thị trường và phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư dựa trên mức độ rủi ro của dự án và mức xếp hạng tín nhiệm của họ.