Trung bình mỗi tháng có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường

Nguyên Ngọc 07:20 | 16/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng phần lớn các dự án đang vướng mắc đều sử dụng đòn bẩy tài chính cao, dù có tháo gỡ được pháp lý thì việc xử lý nợ, đặc biệt là tìm nguồn vốn mới để tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án cũng là một vấn đề lớn và không hề dễ dàng. Từ nay đến năm 2024, thị trường tiếp tục chứng kiến sự ra đi của một số doanh nghiệp đã kiệt sức do phải chống chọi trong suốt giai đoạn khó khăn kéo dài vừa qua.

Theo Hiệp Hội bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường bất động sản gần đây đã có một số chuyển biến mới tích cực hơn sau giai đoạn khó khăn kéo dài từ cuối năm ngoái. Trong đó, một vài dự án mới đã được chủ đầu tư công bố ra thị trường. Tình hình tài chính của doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ căng thẳng nhất. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng vẫn có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường.

Đối với các sàn giao dịch bất động sản, thống kê của VNREA cho thấy có 20% sàn tiếp tục đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự với niềm tin thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm nay.

Thời gian qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục điều hành chính sách ổn định vĩ mô, đẩy nhanh quá trình hồi phục nền kinh tế, bao gồm các giải pháp từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường bất động sản. Cả nước hiện có khoảng 1.200 dự án vướng mắc với tổng giá trị phát triển 30 tỷ USD, riêng Hà Nội và TP HCM có hơn 500 dự án đang được xem xét, tìm phương án tháo gỡ.

Hầu hết các doanh nghiệp cho biết biện pháp hỗ trợ vẫn chưa thực sự đủ lực để kéo thị trường vực dậy. Để thị trường chuyển biến rõ rệt rất cần thêm nhiều các giải pháp cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính Phủ, các bộ ngành và cả hệ thống ngân hàng, tập trung vào pháp lý và tiếp cận vốn.

Các chủ đầu tư đều mong muốn NHNN xem xét hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay, gia hạn nợ và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong hai năm 2024 - 2025 để giãn dòng thanh toán cho doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Theo ước tính của các đội ngũ phân tích trên thị trường, áp lực nợ của nhóm bất động sản đang được đẩy lùi từ năm 2023 sang năm 2024. Gần nhất Hiệp hội Bất động sản TP HCM công bố giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn (nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn) sẽ đạt đỉnh trong ba năm vào năm sau.

Báo cáo được thực hiện bởi đội ngũ WiGroup cho biết trong năm 2024 sẽ có khoảng 24.074 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn và rủi ro tái cấp vốn sẽ tăng cao trong 12 tháng tới, cao điểm vào các tháng 4 - 8/2024. "Dòng tiền hoạt động và nguồn tiền mặt đang ở mức đáng báo động, phần lớn doanh nghiệp bất động sản trên sàn đều thiếu hụt tiền mặt để đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn", nhóm phân tích WiGroup nhận định.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA, lưu ý rằng "phần lớn các dự án đang vướng mắc đều sử dụng đòn bẩy tài chính cao, dù có tháo gỡ được pháp lý thì việc giải quyết, xử lý nợ, đặc biệt là tìm nguồn vốn mới để tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án cũng là một vấn đề lớn và không hề dễ dàng".

Tại hội nghị hôm 13/11, đại diện các ngân hàng thương mại chia sẻ trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động, ngân hàng bắt buộc phải thẩm định kỹ hơn nên quá trình hoàn tất cho vay sẽ kéo dài hơn nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo quản trị rủi ro.

Phía ngân hàng mong muốn các doanh nghiệp bất động sản phối hợp để cùng nhau xử lý, vượt qua khó khăn bằng cách cung cấp thông tin minh bạch, không dùng vốn cấp cho dự án này để đầu tư dự án khác, xem xét bán bớt tài sản để thực hiện nghĩa vụ nợ với ngân hàng bởi thực tế có một số doanh nghiệp đang phát triển hàng chục dự án, được tích lũy từgiai đoạn huy động vốn còn dễ dàng trước đây.

Đồng thời, ngân hàng thương mại khẳng định không siết vốn cho vay kinh doanh bất động sàn và sẵn sàng cho vay đối với những dự án pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp minh bạch.

 

Về phía NHNN, đại diện thông tin NHNN đang tiếp tục đẩy nhanh các biện pháp hỗ trợ thị trường, trước mắt là rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống.

Đến thời điểm này hầu hết đội ngũ chuyên gia, chuyên viên phân tích đều chưa thể đưa ra kịch bản dự báo cho thị trường bất động sản bởi điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần thêm thời gian quan sát, ít nhất là đến đầu năm sau.

Theo ông Đính, sức hấp thụ trên thị trường bất động sản chỉ có thể được cải thiện rõ rệt khi các biện pháp điều hành kinh tế chung của Chính phủ thực sự phát huy tác dụng. Từ nay đến năm 2024, thị trường tiếp tục chứng kiến sự ra đi của một số doanh nghiệp đã kiệt sức do phải chống chọi trong suốt giai đoạn khó khăn kéo dài vừa qua.

Còn theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành VinaCapital – VESAF, niềm tin với bất động sản - kênh đầu tư dài hạn được kích hoạt trở lại khi lãi suất thực tế phải thật sự ở mức thấp và thu nhập của người dân hồi phục.