Vận tải chở hàng, `bảo hiểm` mới trong mùa dịch cho các hãng hàng không?
Thực trạng đáng báo động của ngành hàng không
Dịch Covid-19 kéo dài từ giữa năm 2020 dường như đã "vắt kiệt" sức chống chịu của những hàng không. Tình hình kinh doanh mảng hàng không chủ lực của nhiều hãng sụt giảm nghiêm trọng nhiều doanh nghiệp phải "sống" bằng ngành nghề phụ hay bổ sung nguồn tiền bằng hoạt động tài chính.
Cụ thể, trong quý 1/2021, báo cáo tài chính của hãng hàng không Vietjet Air ghi nhận nhiều chỉ số sụt giảm đáng kể: 4.048 tỷ đồng doanh thu, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách đạt 1.081 tỷ đồng, giảm 76%; doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 1.516 tỷ đồng, giảm 61%.
Còn Bamboo Airways, trong năm 2020 đạt doanh thu 175 triệu USD (khoảng 4.023 tỷ đồng), tăng 16% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, hãng lại ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức âm 156 triệu USD. Mức lỗ này gấp 3 lần so với năm 2019, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của hãng hàng không non trẻ này, Bamboo phải nhờ nguồn thu từ doanh thu tài chính, do đó lợi nhuận sau thuế của hãng mới có thể tăng nhẹ.
Đáng buồn hơn cả là Vietnam Airlines, khi từ đầu năm 2021 hãng chỉ thực hiện khoảng 40 chuyến bay so với 500 - 550 chuyến bay mỗi ngày cùng kỳ.
6 tháng đầu năm, công ty mẹ ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Do năng lực sản xuất vẫn ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, Vietnam Airlines đưa ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay đều tháp hơn so với năm 2020. Trong đó, doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia dự kiến lỗ hợp nhất lên đến 14.526 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2020.
Số nợ phải trả quá hạn cho các ngân hàng và chủ nợ đã đạt tới 6.240 tỷ đồng. Hiện Chính phủ cùng các tổ chức tín dụng đang phải vào cuộc cho Vietnam Airlines vay vốn 0%, giúp Hãng hàng không quốc gia Việt Nam không bị phá sản.
Vận tải hàng hóa - giải pháp mới đem lại nguồn thu cho các hãng bay giữa thời điểm dịch bệnh?
Được biết, trái ngược với nghịch cảnh vận tải hành khách sụt giảm bởi dịch bệnh thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục đạt mức tăng rất cao so với giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thậm chí tăng tới 12% so với tháng 4/2019 - theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA).
Trên thế giới, kể từ khi xuất hiện những diễn xuất từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra thì các hãng hàng không ngay lập tức điều chỉnh đội tàu chở hàng của họ cả về kích thước cũng như tần suất chuyến bay hằng ngày.
Qua đó thấy được vận tải hàng hóa vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực bất chấp các tác động tiêu cực của dịch bệnh và mở ra cơ hội kinh doanh thuận lợi cho ngành Hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam chưa có một hãng hàng không chuyên chở hàng hoá được cấp phép đi vào hoạt động, có thể khiến thị phần lĩnh vực kinh doanh này bị rơi vào tay các hãng nước ngoài.
Ngoài ra, hiện các hãng hàng không chỉ đang có động thái tận dụng việc chở hàng hóa làm phương án "cứu" lấy doanh thu tạm thời. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, cần phải dồn nhiều nguồn lực, chú trọng nhiều hơn thì vận tải hàng không mới có thể "cất cánh".
Các hoạt động vận chuyển hàng hóa hàng không chủ yếu vẫn tập trung khai thác bụng máy bay hành khách mà chưa có đầu tư vào máy bay chuyên chở hàng hóa. Nhiều chuyên gia trong ngành nêu quan điểm rằng, các máy bay thương mại được tận dụng để vận chuyển hàng hóa khó hiệu quả về lâu dài bởi chở hàng dưới khoang bụng nên không thể chở được khối lượng hàng lớn. Chỉ từ 2-10 tấn, trong khi việc bỏ bớt ghế trên khoang hành khách để chở hàng chỉ là tạm thời đối phó với bối cảnh đại dịch khi chở các hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác chống dịch, hàng viện trợ.
Chính vì vậy, cộng hưởng với yếu tố hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển và chi phí vận chuyển hàng hóa còn ở mức cao. Tính đến năm 2021 chỉ có 2 cảng hàng không quốc tế chứa chức năng là trung tâm kho hàng hóa quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Có thể thấy rằng Việt Nam đang đánh mất rất nhiều cơ hội về cạnh tranh cũng như khiến nguồn doanh thu này đang bị rơi vào tay các đối thủ đến từ nước ngoài.
Động thái hiện tại của các hãng hàng không ra sao?
Cả 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều đẩy mạnh mảng này. Bamboo Airways đang đặt tham vọng phát triển mảng vận chuyển hàng hóa khi khởi động chiến lược Bamboo Airways Cargo.
Trong phiên họp thường niên hôm 14/7, Vietnam Airlines cho biết có thể lập một hãng bay chuyên vận tải hàng hóa trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bị tác động nặng bởi đại dịch.
Vietnam Airlines đã tháo ghế 5 tàu bay chuyên chở hành khách (bao gồm 2 tàu A350, 3 máy bay A321) để vận chuyển hàng hóa. Năm 2020, nhờ sự hỗ trợ từ Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận chuyển hàng hóa trên cabin và tháo ghế tàu khách để chở hàng.
Vietnam Airlines tính đường chuyển đổi bởi dịch bệnh còn dài. Ảnh: TTXVN
Đối với dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa, hãng cho biết đã nghiên cứu từ cách đây 4 năm nay nhằm khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt. Tuy nhiên, việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn (gồm đội tàu bay, mạng bay) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Trong một diễn biến liên quan, về đề nghị lập hãng hàng không vận tải hàng hoá IPP Air Cargo của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn thì Cục Hàng không phản hồi rằng hiện chưa xem xét cho phép thành lập hãng bay mới trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên nhân là bởi đây là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam dưới sự tác động của đại dịch Covid-19.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về khả năng thành lập hãng hàng không mới chỉ khi thị trường hàng không phục hồi, dự kiến trong năm 2022.
H.S
Xem thêm: Những đường bay quốc tế nào được Vietnam Airlines nối lại từ ngày 15/7?