Vì sao "đế chế" Facebook của Mark Zuckerberg chìm sâu vào khủng hoảng?
Hàng loạt vấn đề không thể khắc phục
Theo tài liệu nội bộ do Haugen, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook công bố trong chương trình Minutes của WSJ ngày 3/10 và điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 5/10 thì những phát ngôn gây thù hận và thông tin sai lệch trên mạng xã hội không bị Facebook ngăn chặn, thậm chí làm ngơ để tiếp tục tồn tại. Tài liệu cũng mô tả "một trong những cơ chế sản phẩm cốt lõi của Facebook là khuyến nghị về độ lan truyền và tối ưu hóa để tương tác". Điều này lý giải vì sao các phát ngôn gây sốc hoặc tạo sự chú ý thường trở nên thịnh hành.
Một tài liệu có tựa đề "Ảnh tự chụp có tác dụng gì trong cuộc bầu cử" và "Liệu Facebook có khen thưởng cho sự phẫn nộ của dư luận không" cho thấy, thuật toán của nền tảng "thưởng" cho bài đăng về nhiều chủ đề như âm mưu gian lận bầu cử bằng cách lan truyền nhanh hơn để chúng nhận nhiều lượt thích và chia sẻ hơn.
Theo Haugen, mạng xã hội này xếp hạng nội dung dựa trên sự tương tác, như lượt thích, bình luận... Facebook cũng từng thừa nhận trước công chúng rằng xếp hạng dựa trên mức độ tương tác rất nguy hiểm nếu không có hệ thống bảo mật toàn vẹn. Họ cũng đã xây dựng một số biện pháp để giảm thiểu nguy hiểm cho nền tảng, nhưng không có cách gì để đưa hệ thống đó đến hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới.
Có ít nhất hai tài liệu được Haugen tiết lộ cho thấy, Facebook chỉ loại khoảng 3-5% nội dung gây thù ghét và dưới 1% nội dung bị coi là bạo lực hoặc kích động bạo lực. Sự hạn chế này là do khối lượng thông tin quá lớn trên nền tảng, khiến thuật toán của mạng xã hội đánh giá khó khăn, nhất là khi cần phải xét đến ngữ cảnh của từng tình huống.
Đối với cuộc bầu cử Mỹ 2020 và cuộc bạo loạn đồi Capitol ngày 6/1, những thông tin sai lệch lan truyền gần như không bị ngăn chặn bởi cơ chế can thiệp của Facebook. Một lưu ý trong tài liệu nói rằng, "việc cưỡng chế các trang đăng hơn 2 tin sai lệch trong 67 ngày qua sẽ làm ảnh hưởng tới ít nhất 277.000 trang, 11.000 trong đó tái phạm nhiều lần".
Theo Haugen, bất chấp tuyên bố của Facebook rằng họ "xóa nội dung khỏi nền tảng, bất kể ai đăng nội dung đó, khi nó vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" thông qua công cụ kiểm tra chéo XCheck, trong nhiều năm qua, nhiều fanpage, hồ sơ người dùng vẫn được XCheck "miễn cưỡng chế". Thậm chí, một lãnh đạo Facebook nói "chỉ sẵn sàng hành động nếu như mọi thứ đã rơi vào tình trạng tồi tệ".
Hồi tháng 3, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ hỏi liệu nền tảng của Facebook có gây hại cho trẻ em hay không, CEO Mark Zuckerberg nói: "Tôi không tin có chuyện đó".
Tuy nhiên, theo các khảo sát nội bộ của Facebook được Haugen đưa ra, có tới 13,5% người dùng nữ ở tuổi vị thành niên trên Instagram nói nền tảng này khiến họ nghĩ về "tự tử và tự gây thương tích", 17% nói mạng xã hội gây các vấn đề như chứng chán ăn. Nhiều cô gái tuổi teen thừa nhận sử dụng Instagram khiến họ bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, trung bình cứ 3 người thì có 1 người cảm thấy "hình ảnh cơ thể trở nên tồi tệ hơn" khi dùng các nền tảng Facebook.
Không chỉ tác động đến tinh thần của nữ giới, Instagram cũng khiến nhiều nam giới tuổi teen gặp vấn đề. Trong nghiên cứu về sức khỏe tâm lý từ năm 2019, chuyên gia của Facebook đã biết có 14% thanh thiếu niên tại Mỹ nói Instagram khiến họ tự ti về bản thân.
Một trong các quy tắc Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook là sẽ loại bỏ nội dung có liên quan đến khai thác và lợi dụng con người. Tuy nhiên, tài liệu nội bộ lại phản ánh điều ngược lại. Các nền tảng, đặc biệt là trên Instagram, đã hình thành thị trường chợ đen tuyển dụng người giúp việc gia đình, nhưng thực chất sau đó nạn nhân sẽ bị mua bán hoặc trao đổi trái phép. Đây cũng là kết quả điều tra BBC đã thực hiện năm 2019 nhưng bị Facebook bác bỏ.
"Chúng ta đang thực thi kém hiệu quả đối với các hoạt động liên quan đến lạm dụng thân thể con người trên nền tảng", một tài liệu có tên "Công việc theo dõi vùng Trung Đông" nêu. "Kết quả điều tra chứng minh, các nền tảng đã cho phép ba giai đoạn của vòng đời khai thác con người, gồm tuyển dụng, tạo điều kiện, khai thác".
Ngoài ra, hồ sơ cũng nhấn mạnh những kẻ buôn người đã tận dụng các nền tảng của Facebook, từ trang cá nhân, fanpage, hội nhóm... làm "đại lý" tuyển dụng.
Mark Zuckerberg là vấn đề lớn nhất của Facebook
Một số nguồn nội bộ cho biết, Zuckerberg có phong cách lãnh đạo rất độc đoán, không thể bị lay chuyển khi đã đưa ra quyết định. Nếu cảm thấy điều gì không ổn, ông có thể thay đổi nó và không ai có thể can thiệp gì được.
Như nhiều nhà sáng lập khác, ông coi Facebook là "của mình". Thực tế, mạng xã hội của hiện tại đang hoạt động chính xác như Zuckerberg mong muốn. Điều đó dẫn đến một vấn đề quan trọng: mọi thăng trầm đều phụ thuộc vào một lãnh đạo.
"Chiến lược phụ thuộc lãnh đạo không hiếm trong môi trường doanh nghiệp. Họ có thể rất thành công trong việc đưa công ty tiến xa. Nhưng họ cũng không thể nhìn ra điểm mù khổng lồ từ những ý tưởng tốt nhất của họ", Inc bình luận.
Mark Zuckerberg luôn khẳng định Facebook là một nền tảng tốt đẹp, nơi để mọi người có thể chia sẻ mọi thứ. Ông mơ mộng về vùng đất mà mình tạo ra, nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Ngoài Haugen, không ít nhân viên cũ đã lên tiếng tố cáo Facebook thời gian qua. Họ nói mạng xã hội này biết rõ mức độ ảnh hưởng xấu đến thế giới, gây ra những thiệt hại tới người dùng ra sao, nhưng vẫn cố tình duy trì để vận hành cỗ máy sinh ra lợi nhuận cao.
Tương tự, theo The Guardian, mọi hành động của Facebook chủ yếu xuất phát từ Zuckerberg. Ông tự tin rằng mọi người có thể thấy các suy nghĩ của ông khó 'nuốt trôi', nhưng lại cần thiết để duy trì tính toàn vẹn của chính sách phát ngôn trên Facebook. Một số nhân viên từng thuyết phục ông nghĩ lại về chiến lược này, nhưng ông phớt lờ lời khuyên của họ.
Với những hành đông độc đoán, không ít lần các nhà đầu tư kêu gọi Zuckerberg rời vị trí điều hành. Theo hồ sơ của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) năm 2019, gần 68% các nhà đầu tư Facebook yêu cầu người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới từ nhiệm. Dù tỷ lệ áp đảo, điều này mang lại rất ít tác dụng vì Zuckerberg kiểm soát đa số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong công ty.
Facebook đang gặp hai sự cố lớn liên tiếp: các dịch vụ của mạng xã hội ngừng kết nối hôm 4/10 và việc quản lý cũ Haugen điều trần trước Thượng viện Mỹ nhằm chống lại Facebook hôm 5/10.
Mark Zuckerberg sau đó đã viết một "tâm thư" dài trên trang cá nhân. Ông phủ nhận toàn bộ các cáo buộc mà Haugen đề cập về ưu tiên lợi nhuận để gây tác hại cho cộng đồng.
"Lập luận rằng chúng tôi cố tình ưu tiên nội dung khiến mọi người tức giận, từ đó thu lợi nhuận là phi logic. Chúng tôi kiếm tiền từ quảng cáo và nhà quảng cáo cũng luôn nói với chúng tôi rằng họ không muốn nội dung của mình gắn với các bài viết gây phẫn nộ", ông viết.
Ông cũng phủ nhận các cáo buộc liên quan đến việc Instagram dung túng cho các nội dung gây hại đến trẻ vị thành niên, cũng như đưa ra ví dụ về Messenger Kids là nền tảng an toàn với trẻ em. Cuối bài, ông tỏ ý đồng cảm với nhân viên của mình, cả với những người đã đánh giá sai về công ty, đồng thời mong muốn họ tiếp tục làm những điều đúng đắn hơn để cải thiện các nền tảng.
Dù vậy, ở phần bình luận, nhiều người nghi ngờ lời nói của Zuckerberg. "Có ai kiểm chứng sự thật những gì ông nói hay không?", một tài khoản bình luận và nhận gần 10.000 lượt thích. "Tin giả vẫn lan tràn, ông không kiểm soát nổi. Hành vi quấy rối và bắt nạt vẫn tồn tại, tôi chứng kiến hàng ngày. Tôi phát ngán với các ý kiến ông nói nhưng không làm", một tài khoản khác nêu.
Một số người thậm chí cho rằng những lời CEO này đưa ra là dối trá và khẳng định sẽ sớm rời nền tảng vì những tiêu cực mà mạng xã hội gây ra. Chỉ số ít cho biết ủng hộ Zuckerberg.
"Mỗi khi Zuckerberg nói về việc trao cho mọi người sức mạnh xây dựng cộng đồng, hãy nhớ ông ấy mới thực sự nắm giữ quyền lực khi nói đến Facebook. Và khi mọi người cố gắng hành động, ông ta sẽ dùng sức mạnh của mình để kiểm soát", Inc đánh giá. "Đó chính xác là lý do tại sao Mark Zuckerberg lại là vấn đề lớn nhất của Facebook".