Vì sao TP HCM chưa tiếp cận được nguồn vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng?

Đông Bắc 08:18 | 10/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TP HCM được đánh giá là một trong những địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhiều nhất. Tuy nhiên, gói tín dụng 120.000 tỷ được triển khai lại chưa có dự án, người dân nào tại TP HCM hấp thụ được nguồn vốn này.

 

Bộ Xây dựng cho biết có khoảng 100 dự án nằm trong nhóm đối tượng cho vay của gói 120.00 tỷ đồng đã được cấp phép xây dựng và đang triển khai. Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhu cầu vay vốn gồm Bắc Giang (4.527 tỷ đồng), Bình Định (1.832 tỷ đồng), Đà Nẵng (546 tỷ đồng), Phú Thọ (441 tỷ đồng), Trà Vinh (420 tỷ đồng).

Trước đó, từ 1/4, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại là Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Hơn 2 tháng trôi qua, TP HCM vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này dù nhu cầu vốn để làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại thành phố là rất lớn.

Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM đã thông tin những điều kiện, tiêu chí để các chủ đầu tư dự án, người mua nhà tham khảo và đăng ký tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/2023 của Chính phủ.

Đối tượng cá nhân gồm các trường hợp mua nhà ở tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại Nghị định số 69/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Cụ thể, chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí tái định cư mà phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích thì được vay vốn tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.

 TP HCM gặp khó trong khâu tiếp cận nguồn vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh BĐS.

Tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo quy định pháp luật về nhà ở...

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP HCM cho biết, đơn vị đã triển khai nội dung công văn này đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP HCM và yêu cầu triển khai cho vay. Trong đó, 4 ngân hàng lớn là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để cho vay nhưng hiện nay chưa có dự án nhà ở xã hội mới nào được phê duyệt, chưa có sản phẩm nhà ở xã hội mới để doanh nghiệp và người mua nhà vay tiền.

Về những trở ngại, Sở Xây dựng TP HCM cho rằng, các thông tin về điều kiện, đối tượng, tiêu chí của Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đã rõ ràng. Vì vậy, đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư có nhu cầu vay vốn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng gửi văn bản kèm hồ sơ pháp lý về Sở Xây dựng TP HCM để tổng hợp báo cáo UBND TP HCM, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Trong quá trình chờ đợi doanh nghiệp đăng ký, Sở Xây dựng cũng rà soát danh mục các dự án đủ điều kiện để xử lý bước đầu.

Hiện tại, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2025 là 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương khoảng 35.000 căn hộ. Tuy nhiên, đã hết gần nửa nhiệm kỳ, đến nay mới chỉ có một dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn hộ và 7 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đang triển khai với quy mô 5.117 căn hộ.

Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Sở Xây dựng TP HCM lo ngại nếu không quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú công nhân, thành phố sẽ không có dự án đủ điều kiện để hấp thụ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo nghị quyết 33 về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Về phía doanh nghiệp đang làm nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành nhìn nhận việc tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng phụ thuộc rất lớn vào tiến độ giải quyết pháp lý cho các dự án trên địa bàn TP HCM nhanh hay chậm.

Là doanh nghiệp có dự án nhà ở xã hội còn vướng thủ tục đang chờ thành phố giải quyết nhiều năm qua, ông Nghĩa lo ngại các dự án mới khó có cơ hội tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng kịp trong tháng 6 này. Theo ông Nghĩa, thực tiễn cho thấy, để duyệt xong pháp lý các dự án nhà ở xã hội với tốc độ nhanh nhất phải mất 12 tháng, tức phải đến năm 2024 mới có dự án nhà ở xã hội đạt chuẩn được giải ngân theo gói này và bước vào quá trình xây dựng.

Chia sẻ trên VnExpress, ông Nghĩa cho biết: "Doanh nghiệp cần phải được tiếp cận vay trước, sau đó thúc đẩy tiến độ dự án, từng bước tạo ra thành phẩm, mở bán rồi mới đến người mua nhà xã hội được giải ngân. Với diễn biến hiện nay rất khó đoán bao giờ doanh nghiệp xây nhà xã hội lẫn người dân TP HCM vay được gói 120.000 tỷ đồng ".

Theo Giám đốc Công ty Lê Thành, giải pháp tích cực nhất hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước và cả ngân hàng xem xét cho phép các doanh nghiệp làm nhà xã hội đã vay thương mại trước đó được chuyển đổi sang gói 120.000 tỷ đồng. Điều này giúp lưu thông dòng tiền vào đúng phân khúc nhà ở người dân có nhu cầu thật lớn nhất thị trường hiện nay.

Trong những tháng tới, để tăng tốc giải ngân gói tín dụng này, ông Nghĩa đề xuất, cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết nhanh thủ tục hành chính và sớm duyệt cấp phép cho dự án nhà ở xã hội.

Cùng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Công ty R&D DKRA Group (công ty chuyên dịch vụ bất động sản) cũng cho rằng nguy cơ gói 120.000 tỷ đồng bị ế nếu thủ tục cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội diễn tiến chậm, để vuột mất thời gian còn hiệu lực giải ngân.

Theo ông Thắng, hiện gói tín dụng này phù hợp với doanh nghiệp hơn là người dân vì với mức lãi suất 8,7% mỗi năm kéo dài trong 3 năm có thể giúp doanh nghiệp chuyển sang phân khúc nhà ở xã hội được hưởng vốn rẻ. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn phải chờ pháp lý của dự án mới đủ điều kiện tiếp cận vốn. Trong khi đó, lãi suất cho người mua nhà ở xã hội vay mức 8,2% một năm kéo dài trong 5 năm vẫn còn cao và quá ngắn hạn, có thể khiến người dân băn khoăn, do dự.

"Do doanh nghiệp và người dân đều vướng mắc thủ tục và tâm lý còn e ngại, gói tín dụng này trở nên xa tầm với đối với các khách hàng mục tiêu, khó đi vào thực tiễn", ông Thắng nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu lo ngại gói tín dụng 120.000 tỷ đồng "ế" vì lãi suất cao. Ảnh QH.

 

 

 

 

Trong khi đó, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cũng vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Tại văn bản trên, HoREA cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Bởi lẽ, nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo 2 tiêu chí.Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8 - 5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm.

Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn, như Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Cũng theo HoREA, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Riêng thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong 3 năm chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.