Vốn FDI đổ vào bất động sản năm 2022 tăng hơn 70%

Đông Bắc 08:01 | 05/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021.

 

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/12/2022, tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, số lượng dự án đầu tư mới lại gia tăng. Ngoài ra, vốn FDI điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Vốn FDI đã giải ngân ghi nhận đạt khoảng 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn này được đổ vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, vốn FDI rót vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạo “đứng đầu bảng” với giá trị đầu tư đạt 16,8 tỷ USD, chiếm gần 61% tổng vốn FDI đăng ký. Xếp ngay sau là ngành kinh doanh bất động sản với giá trị vốn đầu đạt 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Giá trị đầu tư vào các ngành sản xuất, phân phối điện và khoa học công nghệ lần lượt đạt khoảng 2,26 tỷ USD và gần 1,3 tỷ USD.

Bất chấp vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2022 sụt giảm so với năm 2021, dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản lại ghi nhận tăng mạnh. Cụ thể, dòng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tương đương tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021.

 Vốn FDI vào bất động sản năm 2022 đã tăng 70% so với năm 2021. Ảnh BĐS.

Theo đại diện Savills Việt Nam, việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ dòng FDI là hoàn toàn khả thi bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam hiện nay là rất lớn. Sự quan tâm này ở nhiều lĩnh vực như: sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở.

"Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh, tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn", ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam chia sẻ trên VTV.vn.

Ở góc độ các doanh nghiệp bất động sản, đại diện Savills cho rằng các chủ đầu tư cần tìm đến những giải pháp mang tính bền vững với bức tranh dài hạn. Trong đó huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đây là giải pháp giúp bất động sản duy trì tốc độ phục hồi ổn định, đảm bảo nguồn cung ở các phân khúc.

"Các doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Với những quỹ đất sạch, cách làm việc minh bạch và năng lực sẵn có của chủ đầu tư, không khó để doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Chúng tôi nhận thấy, với những lợi thế về am hiểu thị trường và các thủ tục hành chính của doanh nghiệp trong nước kết hợp với kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, rất nhiều dự án bất động sản quy mô lớn với chất lượng tốt đã được cung cấp cấp cho thị trường ở mọi phân khúc", ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nhận định.

Các phân khúc bất động sản công nghiệp và văn phòng được cho là sẽ hưởng lợi đầu tiên từ dòng vốn FDI, nhờ vào việc Chính phủ tăng mạnh đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp…

Ngoài ra, các phân khúc như nhà ở và căn hộ dịch vụ, mặt bằng bán lẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cũng có cơ hội tiếp tục tăng trưởng.

Để giữ đà tăng vốn FDI vào bất động sản, đại diện Colliers Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần tháo gỡ các rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như cải thiện khuôn khổ pháp lý và thủ tục hành chính; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và chính sách đầu tư một cách bình đẳng, minh bạch. Ngoài ra, việc Chính phủ thúc đẩy thực hiện các cam kết phát triển bền vững sẽ giúp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư chất lượng cao.

 Hà Nội đã thu hút gần 1,7 tỷ USD vốn FDI

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1,692 tỷ USD vốn FDI, tăng 10,3% so với năm trước.

Trong đó, đăng ký cấp mới 365 dự án với số vốn đạt 233 triệu USD; có 202 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 834 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 388 lượt với số vốn đạt 625 triệu USD, tăng 83,8%.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2022, thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 16%; có 16,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 38%; 9,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 1,5%.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại tích cực đã góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn FDI của Thủ đô.

Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025.